Phú Thọ: Đang khỏe mạnh, sản phụ bỗng tắc mạch ối nguy kịch khi chuyển dạ
PLBĐ - Ngay sau khi bấm ối, sản phụ xuất hiện tình trạng suy thai cấp, suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp mức độ nặng, nếu không xử trí kịp thời và chính xác có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa cứu sống hai mẹ con sản phụ nguy kịch nghi do tắc mạch ối trong quá trình chuyển dạ.
Sản phụ này là V.T.T.T (35 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ). Ngày 19/9/2022, sản phụ T. mang thai 39 tuần 3 ngày được gia đình đưa đến viện khám khi đã có dấu hiệu chuyển dạ và được chỉ định nhập viện theo dõi chờ sinh. Được biết, đây là lần mang thai thứ 3 của chị T., 2 lần trước sinh con trước đó của chị đều rất thuận lợi.
Tạikhoa Sản 2, sau khi thăm khám xác định tình trạng sản phụ và thai nhi ổn định (tim thai 140l/phút), bác sĩ chỉ định bấm ối thăm dò. Tuy nhiên, ngay sau khi bấm ối, sản phụ xuất hiện tình trạng suy thai cấp, suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp mức độ nặng, nếu không xử trí kịp thời và chính xác có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
BSCKII. Nguyễn Tiến Công – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, trước tình huống bất ngờ này, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn, nghĩ nhiều đến tình trạng tắc mạch ối trong quá trình chuyển dạ và chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu cho sản phụ, đồng thời kích hoạt báo động đỏ cấp cứu toàn viện mức độ nguy kịch.
Lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo các bác sĩ chuyên ngành Sản khoa, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực chống độc và Sơ sinh ngay lập tức phối hợp cùng xử trí bệnh nhân. Đặc biệt, ca phẫu thuật còn có sự tham gia hội chẩn và chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS Trần Danh Cường – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Ca phẫu thuật được tiến hành gấp rút. Vài phút sau, bé gái sơ sinh chào đời với cân nặng 3,1kg nhưng có dấu hiệu bị ngạt nên được các bác sĩ Sơ sinh hồi sức tích cực ngay tại phòng mổ, đặt ống nội khí quản. Một giờ sau, tình trạng sức khỏe của bé chuyển biến tích cực nên được rút ống nội khí quản.
Do sản phụ có tình trạng rối loạn đông máu nặng: chảy máu không đông từ buồng tử cung, vết mổ tử cung, vết mổ thành bụng, chảy máu lòng bàng quang nên các bác sĩ thực hiện cắt tử cung bán phần an toàn.
Sau phẫu thuật, sản phụ được chăm sóc hồi sức tích cực tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Người bệnh dùng các thuốc vận mạch, truyền 2.500ml máu và 1.750ml huyết tương tươi đông lạnh, 01 yếu tố đông máu VIII đông khô, 04 túi yếu tố VIII(Cryo), khối tiểu cầu…
Sau 7 ngày được điều trị tích cực, sức khỏe của cả 2 mẹ con sản phụ T. đều ổn định nên được cho xuất viện.
Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa hiếm gặp với tỉ lệ mắc 1/8.000 – 1/80.000, bệnh rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao, không có cách dự phòng. Có thể hiểu đơn giản nhất bệnh tắc mạch ối là tình trạng tế bào ối vào trong mạch máu người mẹ, gây ra tắc mạch máu và hàng loạt các biến chứng nguy hại có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong cho sản phụ và thai nhi. Để cứu sống những trường hợp này cần một hệ thống hoàn thiện đủ các chuyên nghành, quá trình cấp cứu kịp thời.
Vì vậy bác sĩ khuyến cáo, sản phụ cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình chuyển dạ tại cơ sở y tế để có phương án điều trị kịp thời trước những tình huống nguy kịch có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.