6 tips giữ an toàn nhà ở, đặc biệt với nhà có cửa kính
Nếu nhà dùng cửa kính, bạn nên ưu tiên chọn kính dán hai lớp an toàn để khi nứt vỡ không gây nổ, tránh rủi ro cho người sử dụng.
Việc sử dụng kính cho nhà ở, nhà hàng có thể tiềm ẩn rủi ro nếu chọn vật liệu thiếu an toàn, thiếu bảo trì, kiểm soát chất lượng. Vụ việc một bác sĩ bị tấm kính từ tầng hai quán cafe rơi xuống người, khiến cô bị đa chấn thương, khiến nhiều người lo lắng về yếu tố an toàn cho công trình, đặc biệt khi chọn lựa vật liệu kính để xây dựng.
Dưới đây là chia sẻ của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Minh Thủy, founder công ty Kiến trúc Nhà của Gió, giúp bạn hiểu hơn về cách chọn vật liệu, đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng nói chung và nhà ở nói riêng.
1. Lưu ý về cửa kính, vách kính
Kính cường lực: Là loại kính có độ cứng, tính chịu lực cao, khả năng an ninh tốt nghĩa là khó đập vỡ hơn. Khi vỡ thành những hạt nhỏ, kính phát ra tiếng nổ to, báo động với chủ nhà, uy hiếp đối với những người có ý đột nhập vào nhà.
Do phương pháp sản xuất kính cường lực mà các thao tác khoan lỗ, khắc, cắt hay là xử lý cạnh kính phải được thực hiện ngay trong nhà máy. Trong quá trình sử dụng, tuyệt đối không đục, khoan thêm chi tiết cho kính. Đồng thời, qua thời gian, khi phát hiện kính cường lực có vết mẻ nhỏ, cần cẩn thận theo dõi, tốt nhất nên thay mới. Điểm yếu nhất của kính cường lực nằm ở các cạnh viền, đặc biệt là góc kính.
Quá trình thi công có thể khiến kính bị lắp lệch, phụ kiện chèn đệm kính không đạt yêu cầu, khung nhôm lắp kính không đảm bảo kỹ thuật, quá chật và sát vào tấm kính. Trong quá trình sử dụng, kính chịu tác động của môi trường như mưa, nắng, gió mạnh, nền nhiệt thay đổi dẫn đến sự co giãn không đều của các vật liệu, khiến tấm kính bị ép chặt, tác động ngoại lực, rất dễ nứt vỡ hay phát nổ.
Bởi vậy, bạn có thể dùng kính cường lực tùy từng vị trí sử dụng. Riêng với vị trí mái kính giếng trời, KTS Nguyễn Minh Thủy gợi ý sử dụng kính dán an toàn hai lớp, hoặc kính cường lực dán an toàn hai lớp, vì khu nền nhiệt thay đổi rất lớn, rủi ro cao hơn khu vực khác.
Kính an toàn dán hai lớp: Là loại kính có độ chịu lực kém hơn, dễ vỡ hơn kính cường lực, nhưng khi vỡ các hạt kính được dính lại bởi lớp keo ở giữa. Do đó, theo KTS Nguyễn Minh Thủy, nếu không quá cần thiết về nhu cầu an ninh, bạn nên ưu tiên sử dụng kính an toàn dán hai lớp vì khi vỡ, loại này không gây rủi ro lớn như kính cường lực.
Một số biến thể, sự phối hợp của kính an toàn dán hai lớp, kính cường lực là kính cường lực dán an toàn hai lớp, kính hộp, kính hộp low e (viết tắt của low emissivity, nghĩa là độ phát xạ thấp). Chúng sẽ có tính chất của các loại kính nguyên bản. Ví dụ: kính cường lực dán an toàn hai lớp = kính dán an toàn hai lớp + kính cường lực; kính hộp an toàn = kính an toàn hai lớp cách nhau khe không khí; kính hộp cường lực = kính cường lực hai lớp cách nhau khe đệm không khí; kính cường lực low e = kính cường lực tráng low e.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau khi sử dụng cửa vách kính:
- Sử dụng khuôn nhôm và kính được sản xuất chính hãng uy tín. Cần cẩn thận khi sử dụng các loại khuôn tự chế, không rõ nguồn gốc sản xuất.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, quan sát các cửa, vách kính.
- Tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật khi phân chia khổ kính. Mỗi hãng có khổ kính tối đa, do đó không được chia khổ kính lớn vượt khỏi khuyến cáo của hãng sản xuất cũng như tự ý thay đổi chủng loại vật liệu nhưng vẫn giữ nguyên kích thước thiết kế cũ.
- Lưu ý khác: Sau khi sử dụng lâu dài, các cửa, mái kính có phần keo silicon trám các khe vật liệu dễ bị xuống cấp dẫn đến rò nước vào nhà. Nếu bạn thấy rò nước, chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, để khô khu vực khe tiếp giáp, miết lại silicon.
2. Về kích thước lan can và cửa sổ
- Lan can: Cao độ lan can với nhà 8 tầng trở xuống nên từ 900 mm -1,1 m. Từ tầng thứ 9 trở lên, cao độ lan can thống nhất là 1,4 m. Chiều cao tối thiểu với lan can cầu thang, đường dốc là 900 mm.
- Đối với nhà có trẻ nhỏ, lưu ý nên sử dụng các mẫu lan can bằng kính trơn nhẵn, hoặc không có các chi tiết thanh ngang để leo trèo lên cao. Tuyệt đối tránh bố trí các vật thể có thể leo trèo ở bên cạnh lan can cầu thang như: ghế ngồi thư giãn, kệ trang trí... Lý do bởi trẻ em rất thích trèo, nhảy nhót, đùa nghịch trên các vật thể này, gây mất an toàn.
- Nếu trẻ nhỏ có phòng riêng, cần đặc biệt chú ý các cửa sổ mà ở bên cạnh có bố trí ghế ngồi thư giãn, đọc sách, cần có cao độ vách tiêu chuẩn tính từ mặt ghế (không được tính từ mặt đất) ít nhất là 900 mm. Tốt nhất là sử dụng cáp an toàn tạm thời cho cửa sổ, cho đến khi các em bé lớn lên.
3. Lưu ý khi lắp quạt trần
Khi thợ lắp quạt trần, bạn hãy thu xếp thời gian ở nhà. Lúc này, bạn cần dặn dò, kiểm tra thật kỹ phần dây cáp an toàn của quạt đã được lắp hay chưa. Đây là phần hay bị bỏ qua vì chi tiết này bị che khuất sau khi lắp xong. Nếu thiếu nó, quạt vẫn chạy bình thường. Nhưng nó là một cáp treo được gắn trên một móc cứng độc lập với móc treo quạt, khi quạt rơi, cáp này sẽ neo quạt lại, đủ thời gian cho chúng ta di chuyển đến nơi an toàn. Khi lắp cáp vào, quạt trần mới có thể coi là an toàn tuyệt đối.
4. Ngôi nhà được thiết kế cẩn thận để thoát hiểm được khi có sự cố cháy
Ngôi nhà nên có tối thiểu một cửa thoát hiểm chốt trong bằng khóa đa điểm, không cần sử dụng chìa khóa và không có cửa sổ bên cạnh để tránh trộm thò tay vào qua cửa sổ.
5. Lưu ý về cầu dao điện
Một tòa nhà luôn có tủ điện tổng với bảng cầu dao chung để có thể sập điện của toàn tòa nhà. Sau đó, tòa nhà bố trí cầu dao riêng ở từng tầng. Cầu dao phải để ở vị trí có thể với tay sập dễ dàng. Điều này để đề phòng khi có sự cố cháy nổ, ta có thể chạy lên các tầng trên và sập cầu dao của từng tầng.
Nếu đột nhiên bạn thấy cầu dao sập, đừng cố dùng sức mạnh bật nó lên, trước hết, hãy kiểm tra lại tất cả thiết bị điện trực thuộc cầu dao đó xem có vấn đề gì không. Kiểm tra dây điện có thể bị đè nghiến, rò rỉ không, các phích cắm đã được cắm chặt hay chưa, ngửi thấy mùi khét hay tiếng động lạ ở đâu không trước khi bật cầu dao trở lại.
6. Mặt bậc thang
Ở mặt bậc thang, bạn hạn chế sử dụng vật liệu ốp có nhiều hoa văn tương phản. Điều này để tránh khi bước từ trên cao xuống, do các hoa văn đánh lừa thị giác làm người bước nhìn không rõ các bậc, dễ bị dẫm hụt hoặc trượt chân.
Tú Anh