Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị táo bón?
PLBĐ - Cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ khi tình trạng táo bón kéo dài từ 2-3 tuần mà các biện pháp điều trị thông thường không cải thiện.
Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón
Theo Bs. Nguyễn Thị Thu, trên thực tế, 90-95% trường hợp táo bón gặp ở trẻ em là táo bón chức năng. Táo bón thường bắt nguồn từ một chế độ ăn không đủ nước và chất xơ, đây là những chất cần thiết giúp cho nhu động ruột được dễ dàng. Chính vì thế, những trẻ ăn nhiều đồ ăn sẵn, phomat, bánh mì, thịt thường dễ bị táo bón hơn. Trong khi đó, chế độ ăn giàu hoa quả, rau củ và ngũ cốc thô giúp cho phân khỏi bị cứng và khô. Một số loại thuốc như thuốc chống suy nhược, thuốc bổ sung sắt cũng gây ra tình trạng táo bón.
Ở trẻ bú mẹ, táo bón gặp khi chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức hoặc từ thức ăn dặm sang thức ăn rắn. Trẻ lớn hơn, việc thay đổi thói quen đại tiện sang việc ngồi bô hoặc bồn cầu, nhất là khi chúng chưa sẵn sàng với việc này gây ra tình trạng tương tự.
Một số trẻ em không chịu ngồi bô hoặc bồn cầu, ngay cả khi chúng buồn đi đại tiện. Càng nhịn như vậy, càng làm cho những cơn buồn đi vệ sinh lần sau trở nên khó khăn hơn.
Cũng theo Bs. Nguyễn Thị Thu, stress cũng gây ra táo bón. Trẻ em có thể bị táo bón khi chúng đang lo lắng về một việc gì đó. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm trạng lo lắng có thể gây ra rối loạn nhu động ruột, từ đó gây ra táo bón và kể cả tiêu chảy.
Tình trạng táo bón còn có nguyên nhân từ hội chứng ruột kích thích. Hội chứng này xảy ra khi trẻ bị stress hoặc ăn những thức ăn dễ gây kích thích như nhiều dầu, mỡ và gia vị. Trẻ mắc hội chứng ruột kích thích vừa có thể táo bón, vừa có thể tiêu chảy, kèm theo đau và trướng bụng.
Chỉ trong một số ít trường hợp, chứng táo bón là dấu hiệu của một bệnh lý thực sự. Cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ khi tình trạng này kéo dài từ 2-3 tuần mà các biện pháp điều trị thông thường không cải thiện.
Làm sao để biết trẻ sơ sinh táo bón?
Theo ThS. BS. Nguyễn Thị Anh, táo bón ở trẻ sơ sinh không đơn thuần chỉ là em bé đi tiêu bao nhiêu lần/ngày hoặc/tuần, mà còn là em bé đi tiêu như thế nào. Nếu bé đi tiêu phân mềm, bé dễ đi tiêu, bé đi tiêu 4 - 5 ngày một lần vẫn bình thường.
Vì vậy, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ khi: Bé cảm giác khó chịu mỗi lần đi tiêu; Tiêu phân cứng; Tiêu phân máu hoặc phân đen; Không đi tiêu ít nhất 1 lần mỗi 5 ngày;
Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị táo bón?
ThS. BS. Nguyễn Thị Anh cho hay, nếu bé nhà bạn đang bú sữa mẹ hoàn toàn mà bị táo bón thì mẹ cần xem lại chế độ ăn của mình. Cần ăn nhiều rau, trái cây, uống nhiều nước để giúp nguồn sữa mát. Nếu con của bạn đang bú bình, bạn nên đổi sữa công thức khác cho trẻ sau khi đã khám bác sĩ. Nên nhớ, táo bón không phải là nguyên nhân để dừng sữa mẹ.
Ngoài ra, cho trẻ uống thêm ít nước có màu sẫm như nước ép mận hoặc lê, cho trẻ uống thêm ít nước nếu trẻ > 4 tháng tuổi, nhưng không được nhiều quá 50ml/ngày.
Trường hợp bé có tình trạng chậm đi cầu, với bé sơ sinh có thể 5 ngày mới đi cầu một lần do đường ruột bé chưa phát triển hoàn toàn và lượng chất thải trong sữa không nhiều.
Nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn và bú thật nhiều lần trong ngày (có thể 1 - 2 giờ bú một lần). Mẹ cần phải ăn nhiều rau, trái cây, uống nhiều nước và nước trái cây, để có nhiều chất xơ trong sữa mẹ. Các thực phẩm được khuyến cáo cụ thể là: Tăng cường ăn táo, súp lơ xanh, lê, đu đủ, chuối, bí đỏ, cà rốt.
Mẹ cần ăn bột yến mạch, lúa mạch, ngũ cốc nguyên hạt… vì các thực phẩm này sẽ bổ sung chất xơ tạo khối cho phân, kích thích nhu động ruột co bóp mạnh hơn, nhằm đẩy nhanh quá trình di chuyển của thức ăn trong đường ruột và giữ nước trong ruột. Từ đó phòng ngừa táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả.
Ngoài ra, cha mẹ cần mát xa vùng bụng cho bé theo hướng dẫn vào mỗi ngày theo hướng dẫn sau: Đặt bàn tay lên khu vực dạ dày của trẻ, dùng các đầu ngón tay xoay tròn xuống rốn và khu vực đại tràng theo chiều kim đồng hồ khoảng 30 vòng; Vuốt từ khu vực lồng xương sườn xuống đến bụng dưới bằng mép ngón tay.
Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ sơ sinh tập thể dục mỗi ngày bằng bài tập đạp xe đạp như sau: Đặt trẻ nằm ngửa trên giường; Hai tay nắm nhẹ cổ chân bé và di chuyển lên xuống giống như khi chúng ta đạp xe đạp; Tập cho trẻ động tác này 2 lần một ngày có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón cho con bạn.
Mẹ nên nhớ không tập luyện sau khi trẻ vừa mới ăn bột hoặc bú sữa, sẽ khiến bé dễ bị nôn ói và ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa.
Cha mẹ cũng nên tắm nước ấm cho bé. Tắm nước ấm vừa giúp thư giãn, lại có tác dụng tăng cường hoạt động nhu động ruột, kích thích hoạt động của các cơ vòng hậu môn của trẻ để trẻ đi đại tiện thông suốt, dễ dàng, trơn tru hơn. Ngoài tắm nước ấm, mẹ cũng có thể pha nước ấm vào một cái chậu, rồi cho trẻ ngâm hậu môn trong khoảng 5 -10 phút.
Sau khi trẻ tắm, ngâm hậu môn, mẹ cần lau khô cơ thể và mặc quần áo luôn cho trẻ, để hạn chế trẻ bị nhiễm lạnh.