Dấu hiệu cảnh báo bệnh ở hệ tiêu hóa và cách khắc phục

03/10/2022 15:52

Những biểu hiện tưởng chừng đơn giản thường gặp ở đường tiêu hóa bao gồm táo bón, bệnh tiêu chảy, ăn không ngon, đầy bụng… nếu không được điều trị kịp thời, kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Theo các nghiên cứu, tại nước ta có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và con số này đang gia tăng. Các dấu hiệu cảnh báo về hệ tiêu hóa như thế nào là nghiêm trọng và cách khắc phục ra sao?

1. Một số dấu hiệu đường tiêu hóa thường gặp

Đầy hơi

Hầu hết quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng diễn ra trong ruột non. Trong trường hợp bình thường, khi xuống đến ruột già, các chất cần thiết cho cơ thể đã được hấp thu gần hết ở ruột non, trong ruột già hầu như chỉ còn lại cặn bã của thức ăn. Tuy nhiên ở những người bị kém hấp thu, vẫn còn một số lượng lớn carbohydrate, chất béo hoặc protein chưa được tiêu hóa. Các vi khuẩn trong đường ruột sẽ nuôi dưỡng các chất dinh dưỡng chưa được tiêu hóa này, giải phóng khí và gây đầy hơi, chướng bụng.

Thông thường đầy hơi, chướng bụng do chế độ ăn không cân bằng tuy nhiên, một số bệnh thuộc đường tiêu hóa cũng có thể gây ra biểu hiện này. Trong đó có bệnh về dạ dày (viêm loét dạ dày- tá tràng, ung thư dạ dày...), bệnh viêm đại tràng co thắt (Hội chứng ruột kích thích), bệnh giảm nhu động ruột cũng gây gây đầy hơi.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh ở hệ tiêu hóa và cách khắc phục - Ảnh 1.

Tình trạng tiêu hóa kém do nhiều nguyên nhân xong chủ yếu là do chế độ ăn và lối sống không khoa học

Tiêu lỏng, tiêu chảy

Thức ăn không tiêu hóa trong đường tiêu hóa thường gây tiêu chảy. Người bệnh còn gặp các triệu chứng khác như đau bụng, chuột rút khi bị tiêu chảy. Ở những người đang gặp khó khăn trong việc tiêu hóa chất béo, phân có váng mỡ. Tiêu chảy mạn tính là triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn hấp thu.

Hơi thở hôi

Khi nấm men, nhiễm trùng hoặc vi khuẩn xấu xuất hiện nhiều trong hệ tiêu hóa, người bệnh có thể bị hơi thở hôi và kèm theo vị chua trong miệng. Hơi thở hôi do nhiều nguyên nhân trong đó có thể là vấn đề răng miệng những cũng có thể là một dấu hiệu dễ nhận biết cho thấy hệ tiêu hóa có vấn đề.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh về dạ dày, ruột, đặc biệt là những trường hợp bị trào ngược dạ dày - thực quản thì đây chính là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng hôi miệng. Ngoài ra, những bệnh nhân mắc tiểu đường, mắc bệnh về gan, thận,… thì có nguy cơ dẫn tới khoang miệng xuất hiện tình trạng có mùi do sự phân hủy mỡ.

Táo bón

Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu, trong đó, chỉ 12% số người tự xác định được bệnh. Thông thường táo bón liên quan đến chế độ ăn và sinh hoạt. Tuy nhiên, táo bón cũng có thể do một số bệnh lý trong đó nếu mắc các bệnh nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn dễ bị táo bón.

Các bệnh lý toàn thân như: Mắc bệnh về thần kinh (đột quỵ, Hirschsprung, Parkinson, chấn thương đầu, tủy sống); vấn đề tâm lý (trầm cảm, rối loạn lo âu); rối loạn nội tiết (chuyển hóa tăng canxi máu, hạ kali máu, tiểu đường); bệnh tuyến giáp (cường giáp, suy giáp); bệnh mô liên kết (xơ cứng bì, lupus); nhiễm độc chì cũng gây táo bón.

Ăn không ngon

Do sự suy thoái dần của hệ tiêu hóa, giảm bài tiết dịch vị, sự co bóp các cơ ruột cũng suy giảm khiến thức ăn vận chuyển từ đoạn ruột trên xuống đoạn dưới chậm nên nhiều người thường không có cảm giác đói khi đến bữa ăn, dẫn đến bỏ bữa. Tuy nhiên, còn những nguyên nhân khác thuộc bệnh lý đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa nội tiết (basedown, tiểu đường…) gây cảm giác mất ngon miệng.

Giảm cân đột ngột

Giảm cân không chủ ý là một triệu chứng phổ biến của hội chứng kém hấp thu. Tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cơ thể tiêu hóa carbohydrate, chất béo, protein… Vì thế cho dù có ăn đủ số lượng calo, nhưng thức ăn đi qua đường tiêu hóa lại không được hấp thu khiến cho cơ thể không nhận được đủ lượng calo cần thiết. Giảm cân không chủ ý thường là do các bệnh lý về tiêu hóa ảnh hưởng đến việc kém hấp thu nhiều chất dinh dưỡng như bệnh celiac, viêm tụy và bệnh Crohn.

2. Phải làm sao để cải thiện tình trạng tiêu hóa?

Tình trạng tiêu hóa kém do nhiều nguyên nhân xong chủ yếu là do chế độ ăn và lối sống không khoa học. Vì vậy để cải thiện hệ tiêu hóa, cần thực hiện một số phương pháp sau nhằm cải thiện tình trạng tiêu hóa kém:

- Duy trì một chế độ ăn cân bằng dưỡng chất: Lựa chọn những thực phẩm giàu dưỡng chất và tốt cho hệ tiêu hóa. Nên ăn những loại thực phẩm dễ tiêu và loại bỏ những thực phẩm khó tiêu trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng. Đa dạng trong việc lựa chọn thực phẩm từ mỗi nhóm thực phẩm, đặc biệt là trái cây giàu chất xơ, rau củ và các loại hạt cũng như sữa chua và các loại nước uống.

Cần hình thành thói quen ăn uống điều độ. Ăn đúng bữa sẽ giúp hỗ trợ việc đi ngoài đều đặn. Ăn ít nhưng ăn nhiều bữa, nên ăn 4-5 bữa một ngày thay cho 2-3 bữa ăn lớn.

Điều quan trọng cần nhai thật kỹ, nhai giúp nghiền nhỏ thức ăn và nghỉ ngơi sau khi ăn để cho cơ thể một ít thời gian tiêu hóa thức ăn trước khi hoạt động trở lại. Tránh ăn quá nhiều thức ăn sẽ là gánh nặng đối với hệ tiêu hóa.

- Tăng cường vận động: Vận động sẽ giúp bạn cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa. Khi bạn tập luyện mỗi ngày, cơ thể sẽ được kích thích để sản sinh ra những chất kháng viêm, ngăn ngừa nguy cơ viêm đường ruột và nhiều vấn đề về tiêu hóa khác.

- Uống đủ nước: Thiếu nước sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất cũng như hoạt động của hệ tiêu hóa vì thế nên bổ sung từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày để giúp hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh hơn. Nhớ bổ sung nước trong bữa ăn vì chất lỏng giúp di chuyển các chất rắn đi vào hệ tiêu hóa tốt hơn.

- Kiểm soát căng thẳng: Do căng thẳng trong cuộc sống, căng thẳng trong công việc đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn và nó cũng chính là nguyên gây ra nhiều loại bệnh tật, bao gồm cả những vấn đề về sức khỏe của hệ tiêu hóa. Chính vì vậy, luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan cũng là một cách hiệu quả giúp bạn tăng cường sức khỏe của hệ thống tiêu hóa. Một số cách giúp bạn giảm căng thẳng như tập hít thở sâu, nghe nhạc, đi dạo, tập yoga,… hoặc làm những điều mà bạn thích.

- Điều trị bệnh lý: Nếu các biểu hiện về tiêu hóa kéo dài, trầm trọng hơn hoặc nghi ngờ mắc các bệnh lý về tiêu hóa cần phải được điều trị. Vì vậy, người bệnh thấy bất ổn với các biểu hiện về đường tiêu hóa thì hãy đến các cơ sở y tế để được điều trị bệnh nhanh chóng.

Hệ tiêu hóa bao gồm tất cả những bộ phận giúp chúng ta nhai, nuốt và tiêu hóa thức ăn. Những chất dinh dưỡng như carbohydrate (tinh bột hoặc đường), chất béo, protein (chất đạm), vitamin và khoáng chất được cắt nhỏ ra và hấp thụ vào trong máu bởi các hoạt động của miệng, dạ dày, ruột và các nội tạng khác trong đường tiêu hóa. Cơ thể sử dụng những chất dinh dưỡng đó để hình thành và nuôi dưỡng tế bào và cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể.

Khi cơ thể bị căng thẳng, những khó khăn trong đường tiêu hóa có thể xảy ra. Có nhiều yếu tố như là ăn kiêng không đúng cách, đi du lịch, hormone bị biến đổi và những tác dụng phụ của thuốc hoặc là những tình trạng có thể gây nên sự căng thẳng. Tạo cho mình một chế độ ăn uống hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giải quyết những vấn đề này để có hệ tiêu hóa khoẻ mạnh.

BS. Nguyễn Văn Long