"Con học giỏi" có được xem là tình tiết giảm nhẹ?

17/05/2024 07:53

Theo các chuyên gia, con có thành tích học tập cao không phải là tình tiết giảm nhẹ khác theo khoản 2 Điều 51 BLHS 2015.

Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc toà cho bị cáo vụ AIC (Công ty CP Tiến bộ quốc tế) được hưởng án treo vì "con học giỏi".

Thực hư chuyện được hưởng án treo nhờ con học giỏi

Theo tìm hiểu của PV thì đó là vụ án AIC thông thầu ở Bệnh viện Đồng Nai. Tháng 5-2023, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, đã cho bị cáo Lê Thị Hương (cựu phó ban Kế toán Công ty AIC) hưởng án treo.

Tuy nhiên, phán quyết này được đưa ra sau khi HĐXX đã xem xét các tình tiết và chi tiết mới, trong đó có việc con trai bị cáo có thành tích xuất sắc trong học tập, được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen...

HĐXX phúc thẩm nhận định: Bị cáo Hương có con trai được Sở GD&ĐT TP Hà Nội tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập, tham gia cuộc thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế lần thứ 17 dành cho học sinh dưới 13 tuổi (IMMO 17). Đây chỉ là một trong những tình tiết và chi tiết mới, nên HĐXX phúc thẩm ghi nhận và xem xét cho bị cáo.

Như vậy, HĐXX không ghi nhận việc áp dụng tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ TNHS tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015, tức HĐXX không coi tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ TNHS đối với bị cáo.

Bị cáo Lê Thị Hương (áo xanh, ở giữa). Ảnh: CTV

Bị cáo Lê Thị Hương (áo xanh, ở giữa). Ảnh: CTV

Thế nào là "tình tiết giảm nhẹ khác" theo khoản 2 BLHS hiện vẫn mang tính tuỳ nghi. HĐXX có thể tuỳ ý áp dụng khi lượng hình nhưng phải ghi rõ trong bản án. Tình tiết giảm nhẹ khác có khi là tình tiết "Bị cáo có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn", có khi là tình tiết "bị cáo được khen thưởng của chính quyền"... Tất cả những tình tiết này đều có thể chấp nhận được, vì ở một chừng mực nào đó, người nghe có thể đồng cảm được về việc nên xem xét cho bị cáo.

Con học giỏi" chưa được xem là tình tiết giảm nhẹ khác

Trong thực tiễn tố tụng, thành tích học tập của con chưa từng được xem là tình tiết giảm nhẹ TNHS cho cha mẹ.

TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Theo hướng dẫn tại Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13-9-2019 của TAND Tối cao thì việc xác định tình tiết giảm nhẹ TNHS ở khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 sẽ dựa theo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Trong đó, có tình tiết giảm nhẹ liên quan đến việc một số người thân thích của bị cáo (vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột) là người có công với đất nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước.

Khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của bị cáo mà HĐXX còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Theo TS Thảo, có thể nhận thấy việc con của bị cáo tuy có thành tích xuất sắc trong học tập và được nhận Giấy khen, Bằng khen… nhưng không đáp ứng được tiêu chí áp dụng quy định tại Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP (được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự…) nên không được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS.

Cạnh đó, HĐXX đã xem xét về động cơ phạm tội, thái độ khai báo, tích cực hợp tác, thiệt hại bị quy kết không lớn, chủ động tự nguyện bồi thường... và xem xét về hoàn cảnh bị cáo rất khó khăn, đã bị tạm giam một thời gian, đã nhận thức được sai phạm, đều có nơi cư trú rõ ràng, được gia đình và chính quyền địa phương cam kết giám sát giáo dục, bị cáo Hương sớm có điều kiện được kèm cặp, chăm nom, nuôi dưỡng tài năng đối với con của bị cáo, để trở thành người có tài, giúp ích cho xã hội... Từ đó, HĐXX mới áp dụng Điều 65 BLHS năm 2015 cho bị cáo Hương hưởng án treo.

Phân tích, TS Thảo nói "điều kiện để được hưởng án treo đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP)". Cụ thể, gồm 5 điều kiện như: bị xử phạt tù không quá 3 năm, có nhân thân tốt, có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên (trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS và không có tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 52 của BLHS), có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định. Và điều kiện thứ 5 là “xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Vì vậy, TS Thảo cho rằng nhận định "để bị cáo Hương sớm có điều kiện được kèm cặp, chăm nom, nuôi dưỡng tài năng đối với con của bị cáo, để trở thành người có tài, giúp ích cho xã hội"... chỉ là một cơ sở để HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng án treo bên cạnh những điều kiện khác.

Cấp phúc thẩm chỉ xét những điều kiện để cho hưởng án treo

Luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM) cũng lưu ý rằng trong vụ án này, cấp phúc thẩm không giảm nhẹ hình phạt mà chỉ xét những điều kiện để cho hưởng án treo. Trong đó tình tiết con học giỏi, có thành tích tốt chỉ là một phần (có hay không có cũng được) thuộc về nhân thân khi xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Về ý kiến con học giỏi có thành tích tốt có bằng khen thì có được áp dụng khoản 2 để xem đây là tình tiết giảm nhẹ hay không, theo luật sư Long, đây là vấn đề rất khó vì hiện nay chưa có hướng dẫn của TAND Tối cao. Việc có áp dụng hay không, tất cả tùy thuộc vào nhận định của HĐXX khi xem xét tình tiết này. Thực tế, có rất nhiều trường hợp sơ thẩm áp dụng nhưng phúc thẩm thì không và ngược lại.

Cũng theo luật sư Long, hiện nay TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của BLHS 2015. Trong đó, có hướng dẫn về tình tiết giảm nhẹ khác theo khoản 2 Điều 51. Dự thảo có nêu ví dụ "trường hợp bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác... thì khi xét xử toà án có thể coi đó là những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLHS, nhưng phải ghi rõ trong bản án".

Luật sư Long cho rằng, dự thảo quy định cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác... là tình tiết giảm nhẹ khác. Tuy nhiên, dự thảo không quy định chiều ngược lại là nếu con cái của bị cáo học tập hoặc công tác có nhiều thành tích xuất sắc được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen thì có được xem là tình tiết giảm nhẹ hay không. Đây cũng là vấn đề cần được xem xét.

Lập luận của cấp phúc thẩm khi cho hưởng án treo

HĐXX xét thấy: Bị cáo Lê Thị Hương phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện theo sự chỉ đạo của các bị cáo khác. Bị cáo Hương đã chủ động khai báo hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, thiệt hại bị quy kết không lớn, đồng thời chủ động tự nguyện góp phần bồi thường thiệt hại cho Nhà nước.

Hiện nay, hoàn cảnh bị cáo rất khó khăn, đã bị tạm giam một thời gian, đã nhận thức được sai phạm, đều có nơi cư trú rõ ràng, được gia đình và chính quyền địa phương cam kết giám sát giáo dục, bị cáo Hương sớm có điều kiện được kèm cặp, chăm nom, nuôi dưỡng tài năng đối với con của bị cáo, để trở thành người có tài, giúp ích cho xã hội.

Do đó, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật, mức độ nguy hiểm cho xã hội, vì chính sách nhân đạo nên có cơ sở áp dụng Điều 65 BLHS năm 2015 đối với bị cáo Hương, giữ nguyên mức hình phạt nhưng cho hưởng án treo và giao bị cáo cho chính quyền nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục cũng đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa chung và thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Trên cơ sở đó, HĐXX phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 222; các điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54, Điều 65, Điều 58 Bộ luật hình sự; khoản 4 Điều 328 BLTTHS năm 2015, xử phạt bị cáo Hương 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thời gian thử thách là 5 năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm. Trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo Hương, nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.