Trồng rau má cổ, lão nông ở Thanh Hóa thu 400 triệu đồng mỗi năm

31/08/2023 07:04

Nhờ giống rau má cổ, hơn 20 năm qua, ông Lương Trọng Tuấn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

Về làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa hỏi nhà ông Lương Trọng Tuấn (SN 1962) trồng rau má, ai cũng biết. Bởi ông là người đầu tiên mang giống rau má cổ về làng và nhân giống cho nhiều hộ dân, giúp họ có thu nhập ổn định.

Đứng trước ruộng rau má hơn 4 sào của nhà mình, ông Tuấn bảo vẫn chưa thể tin việc trồng rau má tự phát của mình cách đây hơn 20 năm mang lại thành công như vậy.

Trồng rau má cổ, lão nông ở Thanh Hóa thu 400 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Ông Tuấn hơn 20 năm trồng giống rau má cổ có thu nhập cao.

Ông kể, trước đây người dân làng Đông Sơn nghèo, chủ yếu dựa vào mấy sào lúa và bãi đất bồi ven sông Mã. Làng cổ Đông Sơn xưa nổi tiếng với nghề trồng hoa cung cấp cho cả thị trường TP Thanh Hóa.  Nhưng sau đó, nghề trồng hoa bị mai một.

“Thời điểm năm 2000, nhà tôi có khoảng 200m2 đất vườn sau nhà. Tôi ra bãi bồi sông Mã chở đất màu về đổ để trồng hoa. Tình cờ, tôi thấy những bụi rau má mọc lên phát triển lẫn trong luống hoa rất tốt nên nảy sinh ý định trồng rau má thay hoa”, ông Tuấn nhớ lại.

Trồng rau má cổ, lão nông ở Thanh Hóa thu 400 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Mỗi tháng ông Tuấn thu hoạch rau má một lần.

“Khi lấy được giống, tôi mang về trồng, người dân trong làng còn nói tôi dở. Sau một tháng trồng thử nghiệm, luống rau má của tôi xanh tốt và cho thu hoạch. Ngày đầu vợ tôi mang xuống chợ đầu mối bán, ai ngờ có nhiều người mua”, ông Tuấn nhớ lại.

Trồng rau má cổ, lão nông ở Thanh Hóa thu 400 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Rau má ông Tuấn trồng thuộc giống cổ.

Từ những lúc chỉ có vài trăm mét vuông, đến nay gia đình ông Tuấn đã trồng với diện tích lớn, hơn 4 sào ruộng. Rau má của ông thuộc giống cổ, hay còn gọi là rau má dại thường mọc ở ven đường, trên núi. Giống rau này khác hoàn toàn với giống rau má trong miền Nam và các loại lai.

Theo ông Tuấn, rau má cổ có lá nhỏ, màu xanh đậm, ăn vào có vị chát, khi nuốt vào cổ lại có vị ngọt thanh nên được rất nhiều người ưa chuộng. Giá bán hiện tại dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Ông Tuấn cho biết, rau má là loại dễ trồng, mỗi tháng cho thu hoạch một lần. Mỗi sào ruộng cho thu hoạch khoảng 10 triệu đồng/đợt. Với 4 sào đất, mỗi năm ông thu được khoảng 400 triệu đồng/năm.

Trồng rau má cổ, lão nông ở Thanh Hóa thu 400 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Ông Tuấn chăm bón vườn rau.

“Vợ chồng tôi có 3 người con, cũng nhờ trồng rau má mà có tiền lo cho 2 đứa con gái ăn học đại học, có tiền lo thuốc men cho cậu con trai bị bệnh tật bẩm sinh. Đến nay hai vợ chồng túc tắc làm đồng cũng có thu nhập ổn định”, ông Tuấn nói.

Rau má hiện nay mang lại thu nhập ổn định, chính vì vậy nhiều người dân làng cổ Đông Sơn đã học tập mô hình trồng rau má của nhà ông Tuấn.

Ông Dương Đình Long, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hàm Rồng cho biết, hiện nay phường có 22 hộ trồng rau má, với diện tích khoảng 2ha. Tuy nhiên, việc trồng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, chỉ có một số hộ, trong đó có nhà ông Tuấn trồng với diện tích lớn.

“Rau má hiện nay mang lại thu nhập cho người dân, chính vì vậy nhiều người dân làng cổ Đông Sơn đã học tập mô hình trồng rau má của nhà ông Tuấn. Loại cây này đang cho thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Để đảm bảo đầu ra ổn định, chính quyền địa phương đã có hướng phát triển diện tích, quy mô trong thời gian tới. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tìm công ty, hợp tác xã về ký kết bao tiêu sản phẩm để người dân gieo trồng bài bản hơn”, ông Long cho biết.