Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
Cảm lạnh thông thường và cúm là những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, do virus gây ra. Vậy dùng thuốc như thế nào trong những trường hợp này?
1.Làm cách nào để biết bị cảm lạnh hay cúm?
Cảm lạnh và cúm có nhiều triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng cảm lạnh thường nhẹ hơn các triệu chứng cúm và phát triển chậm hơn.
Các triệu chứng của cảm lạnh và cúm
Triệu chứng | Cảm lạnh | Cúm |
Sốt | Người lớn: Hiếm Trẻ em: Đôi khi | Sốt cao (trên 38 độ C; có thể kéo dài 3 đến 4 ngày) |
Sổ mũi | Phổ biến (chảy mũi có thể có màu vàng hoặc xanh) | Đôi khi |
Nghẹt mũi | Phổ biến | Đôi khi |
Đau đầu | Đôi khi (thường nhẹ) | Phổ biến |
Nhức mỏi cơ thể | Đôi khi (thường nhẹ) | Phổ biến (có thể nghiêm trọng) |
Mệt mỏi | Đôi khi (thường nhẹ) | Phổ biến (có thể kéo dài đến 2-3 tuần) |
Kiệt sức | Không bao giờ | Phổ biến (khi bắt đầu bị cúm) |
Ớn lạnh, đổ mồ hôi | Không | Phổ biến (cực đoan) |
Buồn nôn | Không phổ biến | Phổ biến |
Ăn mất ngon | Đôi khi | Phổ biến |
Hắt xì | Phổ biến | Đôi khi |
Ho | Phổ biến | Phổ biến (có thể dữ dội) |
Viêm họng | Phổ biến | Đôi khi |
Nghẹt ngực, khó chịu | Phổ biến (nhẹ đến trung bình) | Phổ biến (có thể nghiêm trọng) |
Chảy nước mắt | Phổ biến | Đôi khi |
2. Điều gì có thể xảy ra nếu cảm lạnh hoặc cúm trở nên trầm trọng hơn?
Cảm lạnh hoặc cúm nặng hơn có thể dẫn đến:
- Viêm phổi.
- Viêm phế quản.
- Nhiễm trùng xoang.
- Nhiễm trùng tai.
- Làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có như hen suyễn và suy tim sung huyết.
Các biến chứng do cúm gây ra có thể dẫn đến nhập viện, các tình huống nguy hiểm đến tính mạng và thậm chí tử vong.
Cảm lạnh và cúm có nhiều triệu chứng giống nhau…
3. Cảm lạnh và cúm có thể được ‘chữa khỏi’ bằng thuốc?
Không có loại thuốc nào có thể ‘chữa khỏi’ cảm lạnh và cúm. Tuy nhiên, có nhiều loại thuốc không kê đơn (OTC) có thể làm dịu sự khó chịu do các triệu chứng cảm lạnh và cúm gây ra.
Ngoài ra, còn có các loại thuốc kê đơn và vaccine có thể điều trị và ngăn ngừa bệnh cúm.
Lưu ý về thuốc kháng sinh
Cảm lạnh và cảm cúm là do virus gây ra và không thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm họng và nhiễm trùng tai, da và đường tiết niệu.
Sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhiễm trùng mà thuốc không có khả năng điều trị (như cảm lạnh và cúm), sẽ làm cho thuốc kháng sinh kém hiệu quả hơn đối với các bệnh nhiễm trùng mà cần dùng kháng sinh (nhiễm trùng do vi khuẩn) hay còn gọi là kháng kháng sinh. Do đó, không bao giờ dùng thuốc kháng sinh để điều trị cảm lạnh và cúm.
Để giảm bớt sự khó chịu do các triệu chứng cảm lạnh và cúm cụ thể, hãy cân nhắc sử dụng các loại thuốc không kê đơn sau:
3.1 Thuốc hạ sốt và giảm đau
Để ứng phó với triệu chứng sốt, đau (đau đầu, đau mình mẩy…) acetaminophen (tylenol) thường được ưu tiên sử dụng. Ibuprofen hoặc naproxen cũng là thuốc thường được sử dụng. Nên tránh dùng aspirin ở trẻ em do có nguy cơ phát triển hội chứng Reye (Hội chứng Reye là một tình trạng ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể và có hại nhất cho não và gan).
Lưu ý về acetaminophen: Đọc kỹ tất cả nhãn thuốc trị cảm cúm trước khi sử dụng. Không dùng nhiều hơn một loại thuốc có chứa acetaminophen. Dùng quá nhiều acetaminophen có thể làm tổn thương gan. Liều acetaminophen không được vượt quá 4 gam mỗi ngày. Những người bị tổn thương gan hoặc các vấn đề về gan không nên dùng quá 2 gam acetaminophen mỗi ngày.
Một số thuốc có thể giúp giảm triệu chứng của cảm lạnh và cúm.
3.2 Thuốc kháng histamine
Để ứng phó với triệu chứng chảy mũi có thể dùng thuốc kháng histamine, chẳng hạn như diphenhydramine. Tuy nhiên khi dùng thuốc này có thể khiến bạn buồn ngủ, nên tránh lái xe và các công việc phức tạp khác trong khi dùng những loại thuốc này.
Loratadine có sẵn dưới dạng mua không cần đơn (OTC), là một thuốc thay thế không hoặc ít gây buồn ngủ, nhưng có thể không hiệu quả như các thuốc kháng histamine khác để giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm.
3.3 Thuốc thông mũi
Để giảm nghẹt mũi, tắc mũi thử dùng thuốc thông mũi, chẳng hạn như pseudoephedrine. Tuy nhiên, thuốc có thể gây mất ngủ, căng thẳng và cáu kỉnh. Những người đang mang thai hoặc bị huyết áp cao không kiểm soát được nên tránh các sản phẩm pseudoephedrine.
Thường thuốc thông mũi được kết hợp với các loại thuốc khác (đặc biệt là thuốc kháng histamine) trong các loại thuốc OTC.
3.4 Steroid xịt mũi
Để giảm sổ mũi hoặc áp lực xoang có thể dùng các loại thuốc như fluticasone hoặc mometasone. Những loại thuốc này cũng được sử dụng cho các trường hợp dị ứng theo mùa. Thuốc kháng histamine cũng có thể hữu ích.
3.5 Thuốc long đờm
Để xì mũi dễ dàng hơn hoặc giảm ho/tiết đờm dãi dễ dàng, có thể dùng guaifenesin.
Guaifenesin có tác dụng long đờm, làm tăng hiệu quả của phản xạ ho và làm dễ tống đờm ra ngoài hơn. Cơ chế này khác với cơ chế của các thuốc chống ho, nó không làm mất ho. Thuốc được chỉ định để điều trị triệu chứng ho có đờm quánh đặc khó khạc do cảm lạnh, viêm nhẹ đường hô hấp trên.
3.6 Thuốc chống ho
Có thể dùng dextromethorphan giúp giảm ho (đối với ho khan, không có đờm). Dextromethorphan được dùng giảm ho nhất thời do kích thích nhẹ ở phế quản và họng như cảm lạnh thông thường hoặc hít phải các chất kích thích. Thuốc thường được dùng phối hợp với nhiều chất khác trong điều trị triệu chứng đường hô hấp trên. Thuốc không có tác dụng long đờm.
3.7 Viên ngậm giảm đau họng
Dùng viên ngậm họng chứa benzocaine và dextromethorphan hydrobromide (ngậm để cho thuốc hòa tan trong miệng), hoặc súc miệng bằng nước muối ấm vài lần một ngày để giảm đau họng. Thuốc giảm đau cũng hữu ích.
Hãy nhớ đọc nhãn sản phẩm để tìm chế phẩm tốt nhất phù hợp với các triệu chứng của bạn và để xác định xem loại thuốc đó có an toàn cho bạn hay không.
4. Những cách khác để điều trị và ngăn ngừa bệnh cúm là gì?
Thuốc theo đơn chống virus và thuốc chủng ngừa cúm hàng năm có sẵn để điều trị và ngăn ngừa bệnh cúm.
4.1 Thuốc trị cảm cúm theo toa
Bao gồm amantadine, rimantadine, zanamivir và oseltamivir… Những loại thuốc này không chữa khỏi bệnh cúm, nhưng chúng có thể làm cho các triệu chứng nhẹ hơn và giúp bạn cảm thấy nhanh chóng dễ chịu hơn. Chúng chỉ có hiệu quả khi được sử dụng trong 48 giờ đầu tiên khi có các triệu chứng giống như cúm.
Những loại thuốc này không cần thiết cho những người khỏe mạnh bị cúm mà thường chỉ định những người bị bệnh cúm nặng (ví dụ như những người đã nhập viện) hoặc những người có nguy cơ bị các biến chứng của bệnh cúm, chẳng hạn như những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn…).
4.2 Vaccine ngừa cúm
Mặc dù hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh cảm lạnh, nhưng có vaccine phòng bệnh cúm. Thuốc chủng ngừa cúm hoạt động bằng cách cho hệ thống miễn dịch tiếp xúc với virus đã bất hoạt (đã bị giết chết) hoặc chỉ chứa một gen của virus (chứ không phải toàn bộ virus) để kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
Cơ thể phản ứng bằng cách xây dựng các kháng thể (hệ thống phòng thủ của cơ thể) chống lại bệnh cúm.
5. Làm gì để ngăn ngừa cảm lạnh và cúm?
Virus cảm lạnh và cúm lây lan khi bạn chạm vào mũi hoặc miệng sau khi chạm vào người bị bệnh, hít thở không khí của người bị nhiễm bệnh khi hắt hơi hoặc ho, hoặc chạm vào các vật có tiếp xúc với virus và sau đó chạm vào mũi của bạn… Do đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc khăn lau tay có cồn.
Các mẹo phòng ngừa khác là ăn uống lành mạnh, tập thể dục, ngủ đủ giấc, uống nhiều chất lỏng (cố gắng uống 8 ly nước / ngày) và tránh tiếp xúc gần với những người bị cảm lạnh, cúm; chủng ngừa cúm hàng năm.
DS Nguyễn Thị Thu Giang