Tai nạn điện giật mùa mưa bão, phòng và xử trí thế nào?

30/09/2022 20:15

Tai nạn điện giật rất nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa bão, hệ thống điện dễ hỏng, rò rỉ điện theo nước mưa. Vì vậy, chúng ta cần phải phòng tránh và trang bị kĩ năng sơ cứu tại chỗ để tránh tai nạn đáng tiếc khi bị điện giật.

1. Tổn thương do điện giật

Cứ đến mùa mưa bão, các sự cố lưới điện, tai nạn điện có thể xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản. Khi có mưa, bão, lũ, hệ thống hạ tầng cơ sở nói chung và hệ thống điện lực nói riêng thường bị ảnh hưởng. Một số sự cố thường gặp là nghiêng và đổ cột điện, đứt dây dẫn điện, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các cột điện…

Bên cạnh đó, nhiều sự cố do bão làm đổ cây cối vào lưới điện, gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn, rơm, rạ cuốn vào dây dẫn điện. Nếu người dân sơ ý đi vào nơi có lưới điện bị sự cố có thể bị tai nạn điện giật. Chưa kể, nước dâng gây ngập có thể làm rò điện từ các thiết bị điện ra môi trường xung quanh.

Thực tế cho thấy, mỗi khi có mưa bão, tại một số địa phương đã xảy ra những vụ tai nạn về điện gây chết người.

Tổn thương do điện xảy ra theo 3 cơ chế bao gồm: tác động trực tiếp của dòng điện lên mô cơ thể; chuyển đổi năng lượng điện thành năng lượng nhiệt gây bỏng sâu và bỏng bề mặt; tổn thương cơ học do sét đánh, do co cơ, hoặc các chấn thương sau ngã do điện giật.

Tai nạn điện giật mùa mưa bão, phòng và xử trí thế nào? - Ảnh 1.

Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng các vật dụng không dẫn điện.

2. Tổn thương thường gặp khi bị điện giật

Khi bị điện giật có thể gây ra các tổn thương sau:

-Người bị điệt giật ngưng tim phổi: Có thể có ngừng tim đột ngột (thường do dòng điện một chiều hoặc sét đánh) hoặc rung thất (thường do dòng điện xoay chiều) trước khi nhập viện. Rung thất là rối loạn nhịp tim gây tử vong thường gặp nhất, xẩy ra trong khoảng 60% bệnh nhân có đường đi của dòng điện từ tay này sang tay khác. Bệnh nhân có thể ngừng thở trước rồi ngưng tim sau.

- Người bị điệt giật tổn thương bỏng: Tổn thương do cơ thể là một phần của dòng điện, làm các mô sâu bị đốt nóng gây bỏng, tổn thương da chỉ có vết thương vào – vết thương ra dễ làm chúng ta đánh giá thấp mức độ tổn thương. Vết bỏng không đau, không chảy máu, không chảy nước, không làm mủ. Bỏng đôi khi do tia lửa điện phóng làm cháy da, cháy quần áo

- Có thể gãy xương: Xương có thể bị gẫy do ngã, tổn thương do nổ xương, hoặc do co cứng cơ.

Ngoài ra các tổn thương thường gặp khác như: Người bị điện giật còn có thể loạn nhịp hoàn toàn, đau thắt ngực.; liệt nửa người, hội chứng ngoại tháp, bệnh thần kinh ngoại biên: (liệt, đau, tê da), rối loạn điện não.

3. Xử trí cấp cứu người bị điện giật

Khi bị điện giật tùy thuộc hiện trường mà người sơ cứu phải thực hiện sao cho đúng. Điều quan trọng nhất phải được ưu tiên hàng đầu đó là tách dòng điện khỏi cơ thể nạn nhân một cách an toàn sau đó hồi sinh tim phổi cho nạn nhân ngừng tim và liên tục cho đến khi tim đập lại mà vẫn an toàn cho người cứu hộ.

Bước 1: Người cứu hộ bình tĩnh, không hoảng loạn nhưng khẩn trương bởi thời cơ cứu sống nạn nhân chỉ dưới 5 phút. Cần cúp cầu dao, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi dòng điện (chú ý bệnh nhân hay ngã khi bị cắt điện, đề phòng điện giật người hàng loạt): bằng các vật dụng không dẫn điện.

Lưu ý: Tuyệt đối không chạm vào nạn nhân hay vùng truyền điện khi chưa ngắt điện. Người sơ cứu nên mang đồ bảo hộ: găng tay cao su, quấn bằng nylon, vải khô, đi dép khô, đứng ở nơi khô ráo khi ngắt nguồn điện.

Bước 2: Ngay sau khi đưa nạn nhân ra khỏi dòng điện, kiểm tra tình trạng tim và hô hấp, nếu ngưng hô hấp – tuần hoàn phải tiến hành ngay hồi sinh tim phổi cơ bản.

Khi nhận định tình trạng nạn nhân bị ngưng tim ngưng thở, cần phải tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức, càng sớm càng tốt, bao gồm 2 kỹ thuật cơ bản ép tim và thổi ngạt.

- Kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực: Người sơ cứu đặt tay 1/3 dưới ,chính giữa xương ức. Qúa trình ép khuỷu tay phải thẳng, dùng sức nặng ½ thân trên của người cứu hộ để tạo lực ép.

Chú ý: Đối với người lớn và trẻ trên 8 tuổi dùng hai tay chồng lên nhau ấn thẳng xuống xương ức, sâu xuống 5- 6 cm. Trẻ 1- 8 tuổi dùng một tay ấn sâu 3-4 cm. (1/3 đường kính trước sau của lồng ngực). Trẻ 0-12 tháng tuổi dùng 2 ngón tay sâu xuống 1- 2 cm.

- Kỹ thuật thổi ngạt:

Tư thế nạn nhân cổ ngửa, trừ khi có chấn thương cột sống cổ để đầu vị trí trung gian. Đặt một chiếc khăn hoặc miếng vải khô lên vùng miệng nạn nhân khi thổi ngạt để hạn chế lây nhiễm cho người cứu hộ.

+ Người cứu hộ dùng 2 ngón tay bịt chặt mũi nạn nhân lại, ngửa mặt hít một hơi dài, áp miệng vào miệng nạn nhân thổi vào trong khoảng 2 giây. Làm lại tương tự 2 lần liên tiếp.

Những lưu ý khi ép tim- thổi ngạt: Sau thổi ngạt 2 lần tiếp tục ép tim, tỷ lệ ép tim: thổi ngạt là 30:2. Sau 5 chu kỳ ép tim – thổi ngạt, kiểm tra lại mạch trong 5 giây, rồi làm tiếp kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại Thổi ngạt đảm bảo ngực người bị nạn phồng lên, xẹp xuống đều đặn theo nhịp thổi. Mỗi 2 phút người ép tim – thổi ngạt được đổi vị trí để đảm bảo người ép tim không quá mệt dẫn đến giảm chất lượng ép tim. Nếu sau 2-3 giờ sơ cấp cứu tích cực mà tim không đập trở lại, đồng tử mắt vẫn giãn to là hết hy vọng cứu sống.

4. Phòng tai nạn điện giật mùa mưa bão

Để đảm bảo an toàn cũng như hạn chế tai nạn của mưa bão, người dân cần lưu ý: Không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp.

Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng công tơ, thùng cầu dao…Không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện đi qua. Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời.

Nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập hoặc bị mưa, gió tạt làm ướt sàn. Cần bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp.

Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi mưa to, gió lớn.

Nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết; lập rào chắn khi phát hiện cột điện đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ... và thông báo ngay cho điện lực địa phương để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

BS Nguyễn Thế Công