Giá vé máy bay nội địa tăng cao, ngành du lịch 'chịu trận'
Theo chuyên gia kinh tế, giá vé máy bay nội địa ngày càng đắt đỏ dễ khiến khách đi nước ngoài ngày càng nhiều, du lịch trong nước gặp khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, phân tích: Khi giá vé máy bay nội địa tăng cao đến một ngưỡng nào đó, du khách thay vì du lịch trong nước sẽ có nhu cầu đi nước ngoài nhiều hơn, làm tổng cầu du lịch trong nước giảm.
Điều này không tốt vì có thể khiến Việt Nam phải "nhập khẩu" các tour du lịch của nước ngoài về để bán cho khách trong nước.
Như vậy, một nguồn thu lớn sẽ bị đưa ra nước ngoài. Cơ hội để những dịch vụ tại các địa phương trong nước phát triển cũng sẽ chuyển sang nước ngoài. Điều này ảnh hưởng mạnh đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, việc giá vé máy bay nội địa tăng cao cũng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành hàng không với các ngành vận tải khác. Thời gian gần đây, có thể thấy khách nội địa có xu hướng di chuyển bằng các phương tiện cá nhân, tàu hỏa…nhiều hơn.
Việc thay đổi thói quen này cũng tác động mạnh đến thị trường du lịch trong nước. Vì khi người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân hay ô tô, tàu hỏa sẽ làm họ mất nhiều thời gian hơn. Do đó, thời gian lưu trú, mua sắm, sử dụng các dịch vụ du lịch cũng sẽ giảm xuống.
Hơn nữa, khách cũng sẽ chỉ lựa chọn những điểm đến gần có thể di thuận tiện và tiết kiệm chi phí cũng như thời gian hơn.
“Như vậy, có thể thấy ngành du lịch chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do giá vé máy bay nội địa tăng cao” , ông Lâm kết luận.
Ông Lâm cũng cho rằng, trong khi Chính phủ đang dùng rất nhiều các biện pháp để kích cầu tiêu dùng trong nước thì việc giá vé máy bay nội địa tăng cao lại vô hình chung phản tác dụng của các chính sách đó.
“ Doanh nghiệp hàng không phải làm theo cơ chế thị trường, nhu cầu tăng thì phải nâng giá, tuy nhiên, cần nâng như thế nào để đáp ứng được nhu cầu thị trường chứ không thể nâng vọt một cách vô lý được. Việc này rất cần sự tham gia giám sát, điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước để tránh hệ lụy.
Cứ nâng cao thì khách không đi nữa, họ quay lưng lại và đây sẽ là thất bại của ngành hàng không ”, ông Lâm nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, giá vé máy bay nội địa tăng cao sẽ tác động mạnh tới những người dân có thu nhập trung bình. Đối tượng này dễ phải cân nhắc nhất khi giá cả các dịch vụ tăng, ảnh hưởng đến túi tiền của họ. Và họ dễ dàng cắt những nhu cầu dư thừa, không thiết yếu như đi du lịch.
Còn theo ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, trong giai đoạn hiện nay, các hãng hàng không nên tăng giá vé theo lộ trình thì sẽ hợp lý hơn, tránh được nguy cơ khách quay lưng với du lịch nội địa, chuyển sang đi nước ngoài.
"Người tiêu dùng có tâm lý số đông, xu hướng rất lớn, họ dễ dàng làm theo số đông. Vì thế, cần kiểm soát, ngăn chặn ngay nguy cơ đó. Mục tiêu của Việt Nam năm nay sẽ đón 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Cần thực hiện nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu. Hy vọng hàng không và du lịch có thể bắt tay nhau để phát triển bền vững”, ông Thái nói.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về kết quả kiểm tra phản ánh giá vé máy bay tăng cao trong dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua. Theo đó, các hãng hàng không có nhiều mức giá khác nhau song không vượt mức tối đa theo quy định.
Mặc dù vậy, trong giai đoạn từ ngày 1/1 - 30/4, mức giá vé hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa của các hãng về cơ bản đều tăng so với năm 2023. Trong đó với 3 đường bay trục (gồm: Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng).
Đặc biệt, giá vé trung bình của các hãng tại 3 chặng trên đều tăng lần lượt ở mức Viet Nam Airlines (19,9%; 28,4% và 14,9%), VietJet Air (17,9%; 39,9% và 27%), Bamboo Airway (2,1%; 24,4% và 22,5%), Viettravel Airlines (10,2%; 17,7% và 18,6%).
Dù cơ cấu giá vé bán ra của các hãng vẫn ở phân khúc giá thấp và trung bình (từ 60% đến 70% số lượng vé bán ra), song có những đường bay ghi nhận gia tăng cao về tỷ lệ với các phân khúc giá trung bình và thấp.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giá vé máy bay của các hãng bay Việt Nam tăng nguyên nhân là do chịu tác động bởi giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các tàu bay mới và chi phí bảo dưỡng tàu bay dừng khai thác tăng; giá thuê tàu bay tăng cao; tình hình cung cầu vận tải hàng không.
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu thực tế, người dân từ TP.HCM ra Hà Nội phải mua vé qua Thái Lan, rồi bay từ Thái Lan về Hà Nội. Tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay, do vé nội địa tăng quá cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nhận định du lịch thời gian qua phục hồi ấn tượng nhờ những điều chỉnh về chính sách, sản phẩm nhưng "trở ngại là giá vé cao".
Giải trình về vấn đề này Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết bình quân giá vé của Vietnam Airlines tăng 14-20% trên các đường bay. Nguyên nhân tăng giá là do giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá. Hiện, các chi phí này chiếm 65-70% trong cơ cấu giá vé. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, gần 5%.
Hồi tháng 3, lãnh đạo Vietnam Airlines từng cho biết, chi phí ngoại tệ lớn, họ thiệt hại hàng trăm tỷ khi tỷ giá biến động. Theo đó, với 1% thay đổi tỷ giá, hãng này mất 300 tỷ đồng. Nếu tỷ giá biến động 5%, chi phí một năm của hãng bay này tăng lên 1.500 tỷ.
Với thực tế giá vé của Thái Lan rẻ, Thứ trưởng giải thích, nước này vừa qua có chính sách kích cầu du lịch, giảm gần như triệt để các phí hàng không. Còn theo xu hướng chung, giá vé trên thế giới tiếp tục tăng cao.