Những bệnh mùa thu đông thường gặp ở trẻ và cách phòng tránh
PLBĐ - Thời điểm giao mùa thu đông là lúc thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Dưới đây là những bệnh lúc giao mùa trẻ dễ mắc phải, cha mẹ cần lưu ý để có biện pháp phòng tránh.
Cảm cúm
Cảm cúm là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ lúc giao mùa. Khi mắc cảm cúm trẻ có thể bị sốt, nghẹt mũi, đau họng, ho, hắt hơi, nhức mỏi toàn thân và bị nổi mẩn đỏ. Cảm cúm tuy không nguy hiểm nhưng trẻ sẽ phải chịu đựng cảm giác khó chịu và nếu không sớm điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng.
Phòng tránh:
- Cha mẹ và người chăm sóc cần luôn giữ ấm cho bé khi thời tiết thay đổi (đặc biệt là các bé mới sinh), nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cúm.
- Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh, kem, đá.
- Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C, cho trẻ uống nước đầy đủ để giúp trẻ có sức đề kháng.
- Cần chú ý vệ sinh, nhất là vệ sinh bàn tay cho trẻ để tránh bị nhiễm cúm.
- Nếu trong nhà có người ốm thì nên tạm thời cách ly trẻ. Người lớn tuyệt đối không nên đưa trẻ cùng đi thăm người ốm, người bệnh. Đồng thời, nên hạn chế đưa trẻ tới chỗ đông người hoặc chỗ có người đang ho, hắt hơi…
- Với trẻ trên 6 tháng tuổi, có thể tiêm phòng cúm cho bé mỗi năm một lần.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, có thể xuất hiện quanh năm. Trẻ sốt cao đột ngột và liên tục (39-40 độ C) trong vòng 2-4 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da, ở niêm mạc miệng, đi tiêu ra máu... Nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám, thử máu và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Phòng tránh:
- Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ phải mắc màn để tránh muỗi xâm nhập.
- Không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, độ ẩm cao để tránh muỗi đốt.
- Thoa thuốc chống muỗi lên da cho trẻ.
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, tránh để nhà bị ẩm mốc muỗi phát sinh.
Sốt phát ban
Sốt phát ban ở bé thường xuất hiện bởi virus sởi hoặc virus rubella. Bệnh thường có bởi virus sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh gây ra bởi virus rubella còn gọi là ban đào. Sốt phát ban lây truyền qua đường hô hấp, khi trẻ hít thở chung với người bị bệnh và dễ lây nhiễm. Đây là bệnh lây nhiễm do virus nên chỉ có thể điều trị các triệu chứng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc hoặc bác sĩ.
Trẻ bị sốt phát ban sẽ có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đau họng, sổ mũi, viêm kết mạc mắt có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ đỏ. Ở vị trí sau hai tai sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt chấm đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Trẻ bị sốt, nổi mẩn đỏ khắp người, nhiều nhất ở người và tứ chi.
Phòng tránh:
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm cơ bản như: Sởi, quai bị, rubella… Các mũi tiêm vaccine giúp phòng ngừa được nhiều loại virus tấn công trong đó có một số loại virus có thể gây sốt phát ban.
- Hạn chế cho trẻ đến nơi đông người.
- Bổ sung các thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày để loại bỏ vi khuẩn.
Bệnh thủy đậu
Thủy đậu là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ đặc biệt với thời tiết chuyển mùa thu sang đông. Bệnh thủy đậu thường bắt đầu khá đột ngột bằng các triệu chứng ít được quan tâm như: nổi mụn nước ở vùng đầu, mặt, chân tay và thân. Mụn nước xuất hiện nhanh, chỉ khoảng từ 12-24 giờ đã có thể nổi toàn thân với đường kính từ 1-3mm, có chứa dịch trong (những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hoặc chứa mủ). Ở trẻ nhỏ, thường kèm theo sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn và trẻ lớn thì sẽ kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói…
Phòng ngừa:
- Tiêm phòng vaccine cho trẻ là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa thủy đậu và biến chứng của nó là zona về sau.
- Phụ huynh cần phải chú trọng đến việc nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch cho trẻ bằng cách thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh với các loại rau xanh và trái cây, kết hợp với chế độ sinh hoạt và luyện tập thể thao khoa học, lành mạnh.
Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng nhiễm khuẩn ở phổi do các nguyên nhân như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm. Từ đó tác động trực tiếp đến chức năng trao đổi khí và các biến chứng khác có thể xuất hiện.
Trẻ dưới 5 tuổi thường mắc viêm phổi do: phế cầu khuẩn, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, môi trường hoặc có thể từ mẹ truyền qua trong quá trình mang thai. Trẻ trên 5 tuổi thường mắc viêm phổi do: Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Influenza virus, Adenovirus. Những trẻ có cơ thể suy yếu, lười ăn, suy dinh dưỡng, thiếu chất càng có nguy cơ mắc bệnh cao do hệ miễn dịch kém phát triển.
Phòng tránh:
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Và bú kéo dài đến 2 tuổi để đảm bảo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ.
- Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý. Thức ăn bổ sung cần đủ 4 nhóm thực phẩm (Ngũ cốc, đạm động vật hoặc đậu đỗ, dầu mỡ, rau quả).
- Không cho trẻ ăn uống đồ lạnh vào mùa hè nóng bức. Việc ăn quá nhiều kem và thực phẩm để lâu trong tủ lạnh càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
- Nếu trong phòng có điều hòa thì không nên để chế độ lạnh dưới 25 độ C.
- Theo dõi lịch tiêm chủng và đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ đúng lịch.
- Nếu trẻ có những biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp cấp như cảm lạnh, viêm mũi, họng thì cần được phát hiện và xử lý sớm, chăm sóc tốt để ngăn chặn bệnh chuyển sang viêm phổi.
Tiêu chảy
Tiêu chảy cấp do rotavirus là bệnh thường gặp của trẻ vào mùa thu đông, nhất là dịp giao mùa đối với bé từ 3 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường phân - miệng gây ra triệu chứng tiêu chảy.
Thường thì trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Khi bé ho, sốt nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.
Biến chứng tiêu chảy gây nguy hiểm là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Vì thế, khi chăm sóc bé tại nhà, cha mẹ nên cho bé dùng dung dịch oresol để uống theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì. Khi thấy bé mệt quá, nên chuyển bé đến bệnh viện để truyền dịch.
Đặc biệt, không nên kiêng quá mức trong việc ăn uống. Nên cho bé ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo loãng, chuối tiêu và vẫn có thể uống sữa bình thường...
Phòng tránh:
- Đưa trẻ đi tiêm vaccein là biện pháp phòng tránh tốt tốt nhất.
- Đảm bảo vệ sinh trong ăn uống của trẻ.
- Không cho trẻ tiếp xúc nhiều với động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, gà,... bởi đây là những loài động vật thường chứa mầm bệnh có thể lây truyền từ động vật qua bàn tay vào thức ăn trẻ.
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở trẻ nhỏ, bệnh có thể lây lan giữa các trẻ sống trong một môi trường chung như lớp học, sống cùng nhà. Bệnh thường lây chủ yếu qua đường tiêu hoá. Những trẻ dễ bị mắc bệnh tay chân miệng là những trẻ có độ tuổi dưới 5, do bé chưa biết cách tự bảo vệ cho bản thân và sức đề kháng của trẻ còn kém.
Phòng tránh:
- Rửa tay thường xuyên cho trẻ sau khi ăn, chơi hay đi vệ sinh.
- Làm sạch môi trường xung quanh bằng các dung dịch tẩy rửa, sát trùng.
- Tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp đối với trẻ mang bệnh.
- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Sau khi ăn nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý
- Khi phát hiện trẻ bị tay chân miệng cần thực hiện cách ly bé với các trẻ khác để tránh lây nhiễm. Đồng thời nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được tư vấn về tình trạng bệnh.
Thanh Hải (th)