TP. HCM: Ghi nhận 149 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh, thêm 1 trường hợp tử vong

Hồng Ngọc (t/h) 29/09/2022 14:57

PLBĐ - Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tuần 39 (từ 19 - 25.9) ghi nhận 2.563 ca mắc sốt xuất huyết mới, 1 trường hợp tử vong tại quận 8.

Cụ thể, trong tuần 39, TP.HCM ghi nhận 2.563 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 5% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 21,4% và ngoại trú tăng 11,7%. Trong tuần 39, hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

Tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 149 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 84 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, TP. Thủ Đức giảm 4 ổ dịch mới so với tuần 38. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là là 298 ổ dịch và có 3 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 370 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 154 phường, xã thuộc 22/22 quận huyện, TP. Thủ Đức.

photo-1664438110675

Diệt muỗi, lăng quăng để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết. (ảnh minh họa)

Như vậy đến thời điểm hiện tại, TP. HCM ghi nhận 59.618 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 589,9% với cùng kỳ năm 2021 là 8.641 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 1.296 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 39 là 2,17% (1.296 /59.618) tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,58% (50/8.641).

Trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân không chủ quan, không hoang mang, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Khuyến cáo người dân cần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn, vệ sinh môi trường sạch sẽ, tích cực phối hợp với ngành y tế thực hiện các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Hồng Ngọc (t/h)