Những bệnh lý về mắt thường gặp sau bão lũ
PLBĐ - Điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước bị ô nhiễm sau bão lũ sẽ khiến người dân ở vùng chịu ảnh hưởng mắc nhiều bệnh lý về mắt. Vậy làm thế nào để phòng tránh và điều trị?
Theo khuyến cáo mới đây của Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ mang đến rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh. Mưa cũng như ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi, phát triển và gây bệnh cho con người.
Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa bão và lũ lụt là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch COVID-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động, tham gia thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh, dịch trong bão lụt và mưa lũ.
Dưới đây là những bệnh lý về mắt thường gặp sau bão lũ và cách điều trị.
Viêm kết mạc
Viêm kết giác mạc là bệnh phổ nhất trong mùa bão lũ ở miền Bắc, miền Trung và mùa nước nổi ở miền Nam. Đây là dạng viêm nhiễm nặng nhất do Adenovirus. Bệnh lây truyền do có sự tiếp xúc gần giữa các cá nhân.
Bạn có thể nhận diện viêm kết mạc thông qua các triệu chứng điển hình như sau một thời gian ủ bệnh khoảng 8 ngày, mắt trở nên đỏ, gỉ mắt lẫn với nước kèm theo cảm giác có dị vật trong mắt. Trong 2/3 các trường hợp, bệnh chỉ biểu hiện ở một bên mắt.
Viêm kết mạc luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4-5 ngày kể từ ngày khởi phát, biểu hiện nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus.
Các dấu hiệu khác khi bị viêm kết mạc có thể thấy như sưng đau hạch trước tai, kết mạc sụn mi có hột nổi lên.
Điều trị: Viêm kết mạc chủ yếu là điều trị bằng việc nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần và tra nhỏ kháng sinh hoặc kháng sinh có kèm cortisol trong thời gian ngắn. Khi thực hiện những điều này, bệnh có xu hướng giảm dần và khỏi hẳn sau 7-10 ngày. Nếu kéo dài hơn, kèm theo chói mắt, sợ sáng, nhìn mờ là đồng nghĩa với có biến chứng. Bệnh nhân lúc này được khuyên nên đi khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa.
Bệnh mắt hột
Bệnh lý này còn được gọi là viêm kết mạc có hột do Chlamydia. Người dân có thể nhiễm bệnh do dùng nước bẩn, khăn mặt bẩn, chậu rửa chung… Biểu hiện bệnh là xuất hiện hột đại cả ở kết mạc mi trên và mi dưới. Mắt cương tụ vừa phải nhưng viêm kết mạc thể này có xu hướng dai dẳng, gây cộm và khó chịu mạn tính.
Điều trị: Ngoài vệ sinh mắt và kiêng cữ để khỏi tái nhiễm thì vi khuẩn Chlamydia nhạy cảm với kháng sinh tra nhỏ hoặc uống thuộc nhóm: phenicol, cycline, sulfamid, macrolite. Bệnh sẽ khỏi sau 4-6 tuần điều trị tra nhỏ tại mắt và uống thuốc.
Nếu người dân điều trị không kiên trì hay dùng sai thuốc, các hột viêm sẽ tồn tại đến vài tháng, cuối cùng vỡ để lại sẹo trên kết mạc. Di chứng có thể là khô mắt do sẹo kết mạc, lông quặm, lông xiêu.
Viêm bờ mi
Viêm bờ mi là một tình trạng diễn tiến phổ biến trong đó mí mắt bị viêm (sưng), với các hạt nhờn như dầu và vi khuẩn bao phủ bờ mí mắt gần chân lông mi. Tình trạng này gây kích thích, ngứa ngáy, đỏ và nhức nhối hoặc rát mắt. Nguyên nhân gây viêm bờ mi không hoàn toàn rõ ràng, nó có thể liên quan với nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, triệu chứng của khô mắt hoặc một số loại bệnh về da như bệnh trứng cá đỏ (acne rosacea).
Viêm ở bờ mi dưới tuy không nguy hiểm nhưng sẽ gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu và có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sống hàng ngày của người bệnh.
Điều trị: Chườm mắt bằng khăn ấm là cách điều trị viêm bờ mi khá đơn giản. Bạn chỉ cần sử dụng một chiếc khăn thật sạch, thấm ướt bằng nước ấm rồi vắt khô. Sau đó, đem chườm lên mắt tầm 1 phút. Thực hiện tầm 3 đến 4 lần và đừng quên làm ướt khăn lại để giữ được độ ấm của khăn. Lưu ý là khăn không được quá nóng để tránh làm tổn hại đến vùng mắt vì phần da ở chỗ này rất mỏng.
Với tình trạng viêm bờ mi dưới, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc mỡ kháng sinh chuyên trị. Cách sử dụng là dùng tay đã rửa sạch hoặc tăm bông lấy một lượng nhỏ rồi bôi lên vùng mi dưới bị viêm trước khi đi ngủ. Đối với người bệnh có hiện tượng bị khô hoặc viêm mắt, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc điểm mắt có chứa steroid. Thêm vào đó là một loại thuốc kháng sinh có tác dụng cải thiện hoạt động tiết nhờn của tuyến nằm ở ngay sau chân lông mi, có tên là meibomius.
Biện pháp phòng ngừa các bệnh về mắt sau bão lũ
Đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt, đặc biệt là rửa mặt, rửa mắt là điều quan trọng trong phòng bệnh và chống lây lan bệnh về mắt sau bão lũ. Bạn cần chuẩn bị các dụng cụ, thuốc men phòng dịch bao gồm: nước javel, viên làm sạch nước, xô chậu, nước sạch đóng chai, một số thuốc sát trùng da và chloramphenicol - một kháng sinh phổ rộng dùng tốt cho cả viêm kết mạc và phòng được bệnh mắt hột. Đây có thể coi như là một bộ kit phòng bệnh, xử lý môi trường tối cần thiết cho hoàn cảnh mưa lũ.
Bên cạnh đó, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cũng rất cần thiết. Nếu bắt buộc phải ngâm trong nước lụt, khi về nhà, có thể rửa mắt bằng nước muối hoặc xối rửa bằng kháng sinh tra nhỏ có chloramphenicol (cloroxit) 0,4%, gentamycine 0,3%. Bạn nên tuyệt đối tránh việc dùng khăn mặt, chậu rửa chung.
10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung sau mưa bão và lũ lụt của Bộ Y tế
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước;
7. Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
8. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.
9. Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Thanh Hải (th)