Hội thảo chăm sóc sức khỏe cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam
PLBĐ - Ngày 28/9, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về chăm sóc sức khỏe trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chất độc da cam đã làm cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân.
Theo báo cáo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng hơn 150 nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, 35 nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba và khoảng 6.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư (đời chắt)...
Hiện có gần 350 nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, khoảng 300 nghìn nạn nhân hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Các hộ gia đình có người tàn tật, trong đó có hộ nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí...
Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Bá Bồng, Trưởng Ban Tổ chức chính sách Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, hàng năm, Nhà nước dành khoản ngân sách hơn 10 nghìn tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Mặc dù các chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ngày càng có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, để xây dựng được các chính sách hỗ trợ cho đối tượng trẻ em nhiễm chất độc da cam gặp không ít khó khăn.
Để hoạch định chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam nói chung và nạn nhân chất độc da cam là trẻ em nói riêng cần phải xây dựng tiêu chí nạn nhân chất độc da cam (hiện nay mới chỉ có tiêu chí đối với đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng). Vì vậy, cần có kinh phí điều tra, khảo sát về số lượng nạn nhân, trong đó có bao nhiêu trẻ em, mức độ như thế nào để có sự trợ giúp.
Chính sách trợ cấp, bảo trợ xã hội theo nhóm đối tượng người khuyết tật cần luôn xem xét nạn nhân chất độc da cam là nhóm bảo trợ xã hội đặc thù có mức hưởng cao hơn và được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn tại các cơ sở bảo trợ xã hội, đặc biệt đối tượng là trẻ em liên quan phơi nhiễm chất độc da cam.
Đặc biệt cần đồng bộ các chính sách xã hội khác theo quy định của pháp luật đối với trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam, như: hỗ trợ trong sinh hoạt, trong giáo dục, trong tham gia giao thông...
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Hội Nạn chất độc da cam/dioxin các địa phương cũng chia sẻ những khó khăn trong việc chăm sóc nạn nhân phơi nhiễm chất độc hóa học thế hệ thứ ba, thứ tư.
Ngoài ra, hội cũng đề nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu quy định rõ hơn nữa về nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba, thứ tư; sớm tham mưu Chính phủ ban hành bổ sung chính sách giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên cho nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba, thứ tư...