Nghệ An: Điều trị thành công trường hợp trẻ sơ sinh đẻ non, thoát vị thành bụng, teo ruột type 3b
PLBĐ - Trẻ sơ sinh bị dị tật khe hở thành bụng khiến cho dạ dày toàn bộ ruột non và đại tràng lên, túi mật, buồng trứng phải thoát vị ra ngoài ổ bụng. Dạ dày, các quai ruột non giãn, teo ruột type 3b đoạn đầu hồi tràng.
Ngày 27/9, Khoa Hồi sức tích cực Ngoại - Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, các y bác sĩ đã cứu sống trẻ sơ sinh (trú huyện Con Cuông, Nghệ An) non yếu bị dị tật bẩm sinh, thoát vị thành bụng, teo ruột type 3b, nội tạng nằm ngoài ổ bụng.
Trước đó, sản phụ T. sinh con lần 3, PARA 2002, siêu âm phát hiện thai nhi bị dị tật khe hở thành bụng trước sinh. Sau khi nhập viện tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vào tuần thai thứ 36, nhận thấy các dấu hiệu bất thường của thai nhi, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn viện và chỉ định mổ cấp cứu lấy thai.
Sau sinh, trẻ chỉ được 2,2kg, thể trạng suy dinh dưỡng, hạ nhiệt độ, có dấu hiệu thiếu dịch, suy hô hấp. Dị tật khe hở thành bụng khiến cho dạ dày, toàn bộ ruột non và đại tràng lên, túi mật, buồng trứng phải thoát vị ra ngoài ổ bụng. Dạ dày, các quai ruột non giãn, teo ruột type 3b đoạn đầu hồi tràng.
Sau khi bé chào đời, kíp Hồi sức Nhi đã có mặt tại phòng mổ để hồi sức cấp cứu cho trẻ và nhanh chóng chuyển về Khoa Hồi sức tích cực Ngoại điều trị.
Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hội chẩn với chuyên khoa Ngoại, bệnh nhi tiếp tục được chăm sóc toàn diện, sưởi ấm, hồi sức tích cực, thở máy, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Trẻ được thực hiện cấp cứu, làm các xét nghiệm thăm dò. Sau 2 giờ hồi sức tích cực, nhận thấy tình trạng của bé ổn định, các bác sĩ quyết định thực hiện luôn ca phẫu thuật đưa cơ quan nội tạng trở lại ổ bụng cho trẻ.
Các bác sĩ đã tiến hành xếp các tạng vào ổ bụng theo vị trí giải phẫu và làm dẫn lưu hồi tràng ra da vùng hố chậu phải, điều trị dị tật khe hở thành bụng/ teo ruột type 3b.
Ths.BS Nội trú Tạ Thị Quỳnh Anh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa chia sẻ: "Khoa Hồi sức tích cực Ngoại đã nhận nhiều trường hợp trẻ em có khe hở thành bụng bẩm sinh. Tuy nhiên những trường hợp thoát vị nhiều, hầu hết các cơ quan đường tiêu hóa thoát vị ra ngoài như thế này khá hiếm gặp, đòi hỏi phải có sự chăm sóc và điều trị toàn diện, đánh giá sát sao để đảm bảo toàn trạng cho bệnh nhân."
Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức, chăm sóc hoàn toàn bởi nhân viên y tế, đảm bảo các quy trình vô khuẩn. Sau 10 ngày, trẻ đã được cai thở máy, ghép mẹ, tập bú mẹ. Trẻ đáp ứng với phác đồ điều trị được đưa ra.
Hiện tại, bé đã bú mẹ tốt, hậu môn nhân tạo ra phân vàng, toàn trạng ổn định, được các bác sĩ cho ra viện, hẹn tái khám sau 2 tháng để đóng hậu môn nhân tạo.