Luật sư đề nghị đổi tội danh cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng cho rằng, cơ quan truy tố chưa áp dụng pháp luật đúng đắn, qua đó, đề nghị thay đổi tội danh.
Cựu Chủ tịch tỉnh phạm tội do tin tưởng cấp dưới?
Sáng nay (24/5), phiên xử cựu Bí thư tỉnh uỷ Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cùng đồng phạm tiếp tục với phiên tranh luận.
Trong phần bào chữa cho ông Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai), luật sư Trần Đại Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc cáo trạng quy kết tội danh đối với ông Hưởng không chính xác.
Luật sư Thắng phân tích, trước hết, bị cáo Hưởng không có bất cứ chỉ đạo hay ý kiến khác đối với Sở, ngành liên quan công tác quản lý khoáng sản. “Nội dung công văn trình như nào, ông Hưởng ký như vậy” – luật sư Thắng biện luận.
Luật sư Thắng nói ông Hưởng không can thiệp gì tại Công văn 1717 (ngày 20/5/2013, yêu cầu Công ty Lilama thường xuyên báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả phân tích có quặng, kể cả quặng nghèo, giao cho Công ty Lilama thu gom, thoả thuận, thống nhất với Công ty Apatit để tập kết, quản lý và sử dụng).
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng tại tòa
Theo lý giải từ luật sư, văn bản 1717 ra đời là kết quả trước đó đã có định hướng và ông Hưởng chỉ là nạn nhân của chuỗi hành vi từ các cơ quan chuyên môn.
“Hồ sơ thể hiện, không có bất cứ văn bản trái chiều nào từ các ban, ngành của tỉnh Lào Cai đối với các văn bản ông Doãn Văn Hưởng đã ký. Điều này có nghĩa, các nội dung trình ký đã được sự thống nhất cao từ cơ quan chuyên môn, dẫn đến việc ông Hưởng không còn sự lựa chọn khác” – luật sư Thắng viện dẫn.
Theo luật sư Trần Đại Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ là thiếu sự thận trọng cần thiết khi không có kiểm tra lại nội dung văn bản do các Sở, ngành trình ký.
“Ông Hưởng với tư cách lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện theo nghị quyết của tập thể, không nắm rõ pháp luật chuyên ngành, không được những cảnh báo cần thiết từ cơ quan chuyên môn, dẫn đến ký kết văn bản sai” – luật sư Thắng đánh giá.
Với những phân tích trên, luật sư Thắng cho rằng, ông Doãn Văn Hưởng không cấu thành tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Từ đó, luật sư Thắng đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét đến tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư đề nghị mức án tại toà
Tranh luận về mức án đề xuất đến 5 năm tù từ cơ quan truy tố, luật sư Thắng cảm thán: “Quá ngỡ ngàng và quá nặng”.
Theo đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt đối với ông Doãn Văn Hưởng. Qua đó, đề nghị HĐXX xem xét mức án 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đối với ông Doãn Văn Hưởng.
Quang cảnh phiên tòa.
Ở phần tự tranh luận, ông Hưởng đồng ý với phần chung trong bản cáo trạng, nhưng với phần riêng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng còn những nội dung chưa chính xác.
“Tôi không bày tỏ ý kiến là đồng ý hay không đồng ý, mà chỉ yêu cầu bộ phận văn phòng cung cấp nội dung liên quan để làm căn cứ xem xét” – ông Hưởng nói về nội dung cuộc họp liên quan nội dung khai thác khoáng sản.
Ông Hưởng cũng cho rằng, giai đoạn còn làm lãnh đạo tỉnh, khối lượng công việc tại địa phương “rất đồ sộ, khổng lồ và áp lực”. Cựu Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã ký gần 7.000 văn bản trong 1 năm, chưa kể các văn bản mật khác.
Bị cáo Doãn Văn Hưởng cũng cho biết thêm, ngay sau ký văn bản liên quan hoạt động thu gom khoáng sản, đã ký một văn bản khác để ngăn chặn những hành vi tiêu cực có thể phát sinh sau đó. "Nhưng văn bản ngăn chặn sau đó đã chưa được nghiêm túc thực hiện, dẫn đến những hậu quả đau lòng như hôm nay” – bị cáo Hưởng chua xót.
Tuy nhiên, phía đại diện cơ quan truy tố cho rằng, văn bản được bị cáo Hưởng cho là để ngăn chặn những sai phạm (không cho san gạt) là trái pháp luật, bởi thẩm quyền ban hành ở nội dung này thuộc Chính phủ.
Nhận định về những sai phạm của bản thân trong vụ án, ông Hưởng bày tỏ: “Tôi đã từng là lãnh đạo nhưng thiếu sâu sắc, thiếu kiểm tra, đó là lỗi chủ quan, mình sai mình phải chịu, không đổ lỗi cho ai. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố khách quan, khi có một số văn bản từ cơ quan chuyên môn chưa đúng đắn”.
Như lời nói sau cùng tại phiên toà, ông Doãn Văn Hưởng tâm tư: “Tôi năm nay đã gần 70 tuổi rồi, trong khi tuổi thọ trung bình của người VIệt là 73. Sau hơn 1 năm sống trong điều kiện khắc nghiệt ở quá trình điều tra, tôi phát sinh bệnh tật nhiều. Tôi chỉ mong muốn duy nhất lúc này là sớm được đoàn tụ với gia đình”.