Ngành giao thông linh hoạt các giải pháp ứng phó với siêu bão Noru

27/09/2022 10:18

PLBĐ - Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam…đã có những phương án để chủ động phòng chống, ứng phó với bão số 4 (bão Noru).

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có công điện gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Các Cục: Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đà Nẵng; Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam; Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022. Hiện, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam… đã có những phương án phòng chống, ứng phó với bão.

Đóng cửa 5 sân bay do ảnh hưởng của bão

Do ảnh hưởng của bão Noru, 5 sân bay sẽ phải tạm đóng cửa, ngưng tiếp nhận máy bay từ ngày 27/9. Cụ thể, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm ngừng tiếp nhận tàu bay trong thời gian từ 7h sáng 27/9 đến 6h59 ngày 28/9. Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Quy Nhơn, Bình Định), Pleiku (Gia Lai) ngừng tiếp nhận tàu bay từ 12h ngày 27/9 đến 11h59 ngày 28/9/2022. Các chuyến bay đến và đi các sân bay trên trong thời gian ảnh hưởng của bão vì thế sẽ tạm ngừng.

Ngành giao thông linh hoạt các giải pháp ứng phó với siêu bão Noru - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để chủ động ứng phó với cơn bão, Cục Hàng không Việt Nam có công điện yêu cầu ứng trực 24/24 giờ; thực hiện nghiêm quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng, liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.

Các cảng hàng không, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru để điều chỉnh kế hoạch bay tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão và đảm bảo tuyệt đối hoạt động bay.

Các đơn vị cũng cần chủ động phòng chống, rà soát, thống kê các trang thiết bị chằng néo, neo đậu tàu bay tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ công trình nhà ga, kho hàng... nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra; cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan, căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.

Tạm dừng đôi tàu SE5/SE6

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, ngành đường sắt thông báo tạm dừng đôi tàu khách Thống Nhất SE5/SE6 trên tuyến Bắc - Nam để đảm bảo an toàn. Cụ thể, ngày 27/9, sẽ tạm dừng chạy chuyến tàu SE5 xuất phát tại ga Hà Nội và tạm dừng chạy chuyến tàu SE6 xuất phát ga Sài Gòn.

Tàu SP1 Hà Nội đi Lào Cai ngày 30/9 cũng tạm dừng chạy. Hành khách đi tàu SP1 được điều chuyển sang tàu SP3 xuất phát đi Lào Cai cùng ngày. Hành khách có vé đi tàu trong ngày tàu dừng chạy liên hệ trực tiếp nhà ga để được trả vé không mất phí. Ngoài ra, đường sắt dừng chạy đôi tàu SE35/SE36 giữa Hà Nội - Vinh từ ngày 2/10/2022.

Bộ GTVT đã có công điện chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chủ động phương án khai thác đảm bảo an toàn với bão Noru. Các đơn vị của ngành đường sắt cũng được Bộ GTVT yêu cầu lên phương án nhân sự, thiết bị để sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa bão, đảm bảo giao thông thông suốt.

Hướng dẫn tàu thuyền tránh đi vào khu vực nguy hiểm của bão

Ngành giao thông linh hoạt các giải pháp ứng phó với siêu bão Noru - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ hàng hải thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên biển Đông để hướng dẫn cho tàu thuyền tránh đi vào khu vực nguy hiểm của bão; chủ động sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai đã xây dựng. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam khu vực duy trì lực lượng và phương tiện để sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải bố trí người trực 24/24h theo dõi diễn biến của bão trên biển Đông; tiếp tục nhận thông tin của các đơn vị gửi về và thường xuyên báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam. Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Đài Thông tin duyên hải phát cảnh báo bão trên biển Đông cho các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động tránh bão.

Được biết, Cục Hàng hải Việt Nam đã thành lập 2 tổ công tác do Quyền Cục trưởng Nguyễn Đình Việt và Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng trực tiếp chỉ đạo. Các tổ công tác sẽ trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó và chỉ đạo chống bão tại các khu vực cảng biển ở các tỉnh miền Trung.

Theo thông tin từ Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão Noru được dự báo là 1 trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua, tương tự cơn bão Sangxane 2006, bão Ketsana 2009, bão Molave 2020, từng gây thiệt hại nặng ở Trung Bộ.

Theo thông tin mới nhất về bão Noru, hồi 7 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 360km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25km và có khả năng mạnh thêm. Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ.

Đến 7 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão NORU ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (118-149km/giờ), giật cấp 15.

Đến 19 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 170km về phía Đông Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Thanh Hải (th)