Nam giới không dám lên tiếng khi bị bạo lực gia đình
Nam giới được cho là phái mạnh, mặc định bản thân 'không được khóc', 'không đánh phụ nữ' nên ngay cả khi bị bạo lực gia đình, họ cũng chịu đựng trong im lặng vì không muốn đối mặt sự kỳ thị.
Theo khoản 1, điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực gia đình là tập hợp hành vi mà kẻ bạo hành cố tình sử dụng với vợ hoặc chồng, với con cái để duy trì quyền lực và kiểm soát họ.
Tuấn Anh, 40 tuổi (Hà Nội) sụt từ 70 xuống còn 64 kg, mất ăn, mất ngủ và rối loạn lo âu từ khi vợ phát hiện anh ngoại tình tư tưởng. Năm ngoái, ngày nào Tuấn Anh cũng vào Facebook cô đồng nghiệp ngắm ảnh, "thả tim", bình luận. Mỗi lần nói chuyện với vợ dù là chủ đề nào anh cũng vô thức nhắc đến cô đồng nghiệp. Khi vợ phát hiện ra, anh phải chuyển công tác, xóa hết mọi phương tiện liên lạc với cô gái ấy. Đáng sợ hơn, vợ "trừng phạt" anh bằng cách nắm mọi mật khẩu điện thoại, tài khoản mạng xã hội. Cô cũng công khai cài định vị và bắt anh báo cáo giờ giấc, điểm đến hàng ngày. Vợ kiểm soát cả giờ ăn trưa, buộc Tuấn Anh phải có mặt ở nhà lúc 12 rưỡi và đúng 13h15 mới được quay lại cơ quan.
"Tất cả mọi người ở cơ quan đều biết tôi sợ vợ. Mọi người dòm ngó, nói xấu, chế giễu, đủ cả nhưng tôi không biết làm thế nào vì mình lỡ sai từ đầu, làm vợ mất niềm tin nên phải chịu bạo lực tinh thần", Tuấn Anh kể.
Ở Việt Nam, báo cáo năm 2023 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ. Trong gần 3.200 nạn nhân bạo lực gia đình thì nữ 2.600, nam 565. So với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỷ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng. Gần 3.000 người có hành vi bạo lực gia đình đã bị góp ý, phê bình, xử phạt hành chính và 129 người bị xử lý hình sự.
Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, bạo lực gia đình ở nam giới ít hơn so với nữ nhưng không phải là không có. Nam giới thường bị bạo hành tinh thần, tâm lý, không phải bạo lực về tình dục hay thể xác như phụ nữ. Rất hiếm trường hợp nam giới bị vợ hay người yêu đánh thương tật phải vào bệnh viện. Trường hợp nam giới bị bạo hành tình dục ít hoặc không được ghi nhận. Song, những vấn đề về kiểm soát giờ giấc đi lại, kiểm soát điện thoại, e-mail, chì chiết, chiến tranh lạnh lại thường xuyên xảy ra.
Bà Hồng cho biết nghe thấy bạo lực ở nam giới, mọi người thường nghĩ người vợ ghê gớm, to hơn chồng về thể chất hoặc chồng yếu kém, lép vế ở khoản nào đó. Thực chất nguyên nhân xuất phát từ việc hai bên thiếu kỹ năng trao đổi và cách thức giải quyết bất đồng. Khi mâu thuẫn ngày một tích tụ sẽ có lúc bùng nổ. Nếu để đi đến tận cùng sự việc, tránh trường hợp "động tay, động chân", vợ chồng cần học cách ứng xử trong hôn nhân.
Bà Đỗ Thị Hằng, cựu Tổ phó kiêm trưởng ban hòa giải (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhớ lại cách đây hai năm, bà từng phải hòa giải cho trường hợp cặp vợ chồng U60. Người chồng bị vợ ném bát vào mặt chỉ vì chê cơm nấu chưa chín, ông phải đến bệnh viện khâu ba mũi.
"Người chồng một mực đòi ly hôn với lý do đã phải chịu sự bạo lực từ vợ hơn 30 năm qua. Chỉ cần không vừa ý, vợ sẵn sàng xưng 'mày - tao', thậm chí còn xúc phạm chồng trước mặt các con. Hàng xóm sát vách nhiều lần phải chứng kiến vợ đuổi chồng ra khỏi nhà, mắng chửi chồng chỗ đông người. Những lúc ấy, người chồng chỉ biết cúi đầu, không muốn đôi co vì ngại mọi người chú ý", bà Hằng nhớ lại.
Nói về trường hợp trên, TS Khuất Thu Hồng nhận định đàn ông thường được mặc định là "phái mạnh, không được đánh phụ nữ", vì thế khi bị bạo hành họ thường nín nhịn. "Trong bất cứ trường hợp bạo hành nào xuất phát từ nam hay nữ, một khi bạn cho họ cơ hội bạo hành, họ sẽ lặp lại những lần sau", bà Hồng nói.
Để thay đổi thực trạng này, bà Hồng cho rằng xã hội và chính bản thân nam giới nên nhìn nhận nghiêm túc về bạo lực gia đình. Nam giới bị bạo lực không phải là chuyện để mọi người đem ra cười cợt, châm biếm, câu like. Bên cạnh đó, người đàn ông bị bạo lực cần tìm đến sự trợ giúp từ người thân, bạn bè, các tổ chức xã hội, thay vì mặc cảm, sợ bị kỳ thị.
Trong nghiên cứu gần đây của TS Khuất Thu Hồng, với 2.600 nam giới thì có khoảng chưa đến 10% nam giới cho biết bản thân là nạn nhân bạo lực. Nếu so sánh tỷ lệ phụ nữ hay nam giới bị bạo hành với tất cả hình thức thì vấn đề bạo lực với phụ nữ vẫn nổi cộm hơn. Tuy nhiên, bạo lực là không thể chấp nhận được trong một mối quan hệ, dù nạn nhân là nam hay nữ.
Căn cứ quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, khi phát hiện có hành vi bạo lực gia đình, có thể tố giác thông qua các cơ quan, cá nhân sau: - UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; - Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; - Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; - Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; - Người đứng đầu tổ chức CT-XH cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. |
Phạm Linh