Doanh nghiệp muốn được cấp chứng nhận VietGAP cần đạt tiêu chí gì?
PLBĐ - Để đạt được chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành), các tổ chức, doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí.
Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin liên quan đến việc rau không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc được đưa vào các siêu thị lớn dưới "vỏ bọc" VietGAP. Thông tin này đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Được biết, VietGAP là một trong những lựa chọn của người tiêu dùng khi vào siêu thị vì được bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm bởi cơ quan quản lý, tránh hội chứng "rau hai luống, lợn hai chuồng" đã từng xảy ra trước đây. Nhiều người tiêu dùng lựa chọn bỏ ra số tiền cao hơn 10-15%, thậm chí là cao hơn gấp đôi để để mua rau "an toàn" và "đạt chuẩn VietGAP" bán tại các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Vì vậy, với tình trạng rau bẩn "đột lốt" VietGAP đã làm ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của người tiêu dùng không chỉ đối với rau xanh mà còn cả các loại thực phẩm khác được bày bán ở siêu thị.
Vậy VietGAP là gì? Doanh nghiệp cần đạt những tiêu chí để có chứng nhận VietGAP?
GAP là viết tắt của Good Agricultural Practices, nghĩa là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. GAP đưa ra những phương pháp cụ thể được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, hay sản xuất thực phẩm cho người tiêu dùng hoặc chế biến an toàn và vệ sinh.
Tiêu chuẩn GAP bao gồm việc sản xuất theo hướng lựa chọn địa điểm, việc sử dụng đất đai, phân bón, nước, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch, đóng gói, tồn trữ, vệ sinh đồng ruộng và vận chuyển sản phẩm… GAP nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Mục đích của GAP là đảm bảo an toàn cho thực phẩm, người sản xuất, môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.
Chứng nhận VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là "thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Theo đó, VietGAP gồm những tiêu chuẩn, quy phạm quy định về thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam; những trình tự, nguyên tắc, thủ tục để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các tổ chức, doanh nghiệp muốn đạt được chứng nhận VietGAP cần đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí. Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là về kỹ thuật sản xuất. Yêu cầu về kỹ thuật sản xuất là tiêu chí đặt ra đầu tiên của chứng nhận VietGAP mà doanh nghiệp phải đạt được. Trong đó bao gồm: Phương thức canh tác, thu hoạch cũng như những tiêu chuẩn về hạt giống (trồng trọt), con giống (thủy sản, chăn nuôi), nguồn nước, nguồn đất.
An toàn thực phẩm là tiêu chí thứ 2. Đây là tiêu chí rất quan trọng để doanh nghiệp có thể đạt chứng nhận VietGAP. Để đảm bảo được về chất lượng thực phẩm trong toàn bộ khâu canh tác, doanh nghiệp phải đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.
Tiêu chí thứ 3 là môi trường làm việc. Môi trường làm việc phải có đầy đủ tiêu chuẩn an toàn lao động cần thiết mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động, bảo vệ tốt nhất cho người lao động về sức khỏe, chỉ được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép theo quy định.
Tiêu chí thứ 4 là đảm bảo nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo về chất lượng cũng như giúp cho việc kiểm tra xuất xứ sản phẩm.
Thanh Hải (th)