Các địa phương ứng phó với siêu bão Noru như thế nào?
PLBĐ - Cơn bão số 4 (bão Noru) được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua đang tiến vào Biển Đông nước ta. Hiện, các địa phương đã triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.
Bão Noru gây mưa lớn nhiều nơi
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia, sáng sớm ngày 26/9, bão Noru đã vượt qua khu vực phía nam của đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022. Theo đó, vào hồi 7 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 210km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biển Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Đến 7 giờ ngày 29/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao từ 9-11m; biển động dữ dội.
Về tình hình mưa, người dân lưu ý, từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ 28-30/9, mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ.
Các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão Noru
Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Noru, nhiều địa phương đã triển khai nhiều phương ấn sẵn sàng ứng phó. Theo đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh, thành miền Trung đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện, phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương khẩn trương phòng, chống bão.
Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành đã chỉ đạo các đơn vị thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về bão kịp thời vào bờ; kêu gọi lao động vào bờ tránh trú, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tại nơi tránh trú. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa và có phương án sơ tán dân kịp thời khi bão đổ bộ.
Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP đã giao Văn phòng UBND TP tham mưu thành lập Sở chỉ huy tiền phương (bao gồm các thành viên nòng cốt Bộ Chỉ huy Quân sự TP; Bộ Chỉ huy BĐBP TP; Công an TP; Sở NN&PTNT…), chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để lãnh đạo UBND TP tập trung chỉ huy, chỉ đạo ứng phó với siêu bão Noru. Đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai cho tòa nhà Trung tâm Hành chính TP.
Trước đó, tối 25/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã phát đi công điện tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru. Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão lũ. Rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9.
Tỉnh Quảng Nam nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0h ngày 26/9 (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ), cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 12h ngày 27/9.
Ngày 26/9, Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng đã có văn bản cho học sinh nghỉ học để phòng, tránh bão Noru. Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 27/9 để phòng tránh bão.
Tối 25/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng đã ký ban hành Công điện khẩn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó bão và mưa lũ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan đơn vị, địa phương tạm hoãn các công việc chưa thực sự cần thiết để tập trung công tác phòng, chống khi bão Noru đổ bộ vào đất liền; hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão, sớm hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão, cấm các phương tiện hoạt động trên biển kể cả hoạt động vận chuyển khách ra vào Đảo Lý Sơn từ 12 giờ ngày 26/9.
Các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 10 giờ ngày 27/9, địa điểm sơ tán dân phải đảm bảo lương thực, thực phẩm vệ sinh môi trường; các địa phương triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường khi bão đổ bộ.
Kiểm soát chặt các công trình đang thi công, tích nước, di dời phương tiện máy móc đến nơi an toàn. Riêng với TP Quảng Ngãi và thị xã Đức Phổ triển khai các phương án khơi thông, đảm bảo tiêu thoát nước hạn chế ngập úng đô thị.
Chiều 25/9, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cho phép học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới.
Trong khi đó ở vị trí phía Bắc khu vực Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của bão Noru với mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất là rất cao. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu UBND 10 huyện, thành phố và các sở, ngành chức năng triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 4 theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với diễn biến của bão, tình hình cụ thể tại địa phương. UBND các huyện phải thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.
Thanh Hải (th)