95% người điều trị HIV dùng thuốc ARV tại Việt Nam có thẻ Bảo hiểm y tế
PLBĐ - Với 95% người điều trị ARV có thẻ Bảo hiểm y tế - Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới về chuyển đổi cơ chế tài chính đối với chương trình điều trị HIV/AIDS…
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Đảm bảo nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình điều trị thuốc kháng HIV tại Việt Nam" do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức tại Nghệ An mới đây.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Từ năm 2014, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã bắt đầu xây dựng các cơ chế đưa thuốc ARV từ các chương trình dự án sang chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Đến năm 2016, Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo một bước ngoặt to lớn trong việc chi trả quỹ BHYT cho các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS.
Nếu như năm 2016 tỷ lệ người tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT mới chỉ đạt 50% thì đến năm 2022 tỷ lệ này đã lên đến 95%. Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới về chuyển đổi cơ chế tài chính đối với chương trình điều trị HIV/AIDS.
Ngoài ra, Quyết định 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo một số cơ chế rất đặc thù như thanh toán tập trung trong đó cơ quan Bảo hiểm thanh toán cho nhà cung ứng để đảm bảo việc điều phối thuốc trong giai đoạn đầu tiên. Quyết định cũng đã tạo cơ chế hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc ARV để giúp cho việc tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân.
Tuy nhiên sau 3 năm thực hiện Quyết định 2188 đã có một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề cung ứng thuốc ARV nguồn mua sắm tập trung bị chậm qua các năm. Việc chậm cung ứng thuốc đã làm khó khăn cho việc kê đơn tại các cơ sở điều trị, việc điều phối thuốc từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố và đặc biệt là gián đoạn điều trị của người bệnh.
Bên cạnh đó, người nhiễm HIV lo sợ kỳ thị phân biệt đối xử nên không muốn tham gia BHYT. Việc đảm bảo tham gia BHYT liên tục cho nhóm người nhiễm HIV là công nhân lao động, nhóm lao động ngoại tỉnh, không có mã số định danh là rất khó khăn. Đối với nhóm mất giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác định danh tính, phạm nhân mới ra tù cũng rất khó tham gia BHYT. Bên cạnh đó, việc yêu cầu cung cấp thông tin khi mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV theo hộ gia đình cũng khiến việc tham gia BHYT càng khó khăn hơn.
Với sự hỗ trợ và phối hợp của các cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Vụ, Cục trong Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn liên tục được cập nhật giúp cho việc cung ứng thuốc được thuận lợi hơn.