Thứ rau rẻ như cho ngoài chợ - tốt hơn thuốc bổ bảo vệ tim, gan
PLBĐ - Trong tự nhiên có rất nhiều loại thực phẩm với nhiều thành phần dược tính không chỉ giúp tim, gan mà còn tăng cường hàng rào bảo vệ các cơ quan này khỏi những tác nhân xấu. Một trong số đó là cây ngải cứu.
Ngải cứu trong dân gian được biết đến với tên gọi như cây giải cảm, cây thuốc cứu, cây thuốc cao hay ngải điệp… Cây ngải cứu có hàm lượng tinh dầu từ 0,20 - 0,34% với thành phần chủ yếu là monoterpen, dehydromatricaria ester, tetradecatrilin, tricosanol, aracholalcol và sesquiterpene...
Có nhiều cách sử dụng rau ngải cứu khác nhau, tùy vào mục đích của người sử dụng, ngải cứu có thể sao khô để sử dụng lâu dài hoặc ăn trực tiếp ngải cứu tươi.
Không chỉ là một món ăn mà ngải cứu còn được biết đến với công dụng chữa bệnh rất đa dạng với nhiều loại bệnh khác nhau. Cụ thể, loại cây này có nhiều tác dụng như an thần, lợi mật, có thể kháng khuẩn, cầm máu... Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rau ngải cứu có tác dụng trong điều trị kinh nguyệt không đều, đại tiểu tiện ra máu, chống đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón...
Ngải cứu cũng được xem là một loại thuốc bổ tự nhiên, bảo vệ tim và gan. Theo đó, rau ngải và gan có thể nói là một sự kết hợp không hề tồi. Bởi ngải cứu là loại thảo dược có thể giúp chức năng gan hoạt động ổn định và khỏe mạnh hơn, cụ thể như sau:
Giúp tăng tiết dịch mật
Gan và mật là 2 bộ phần nằm ngay sát nhau và có mối liên hệ mật thiết. Việc ăn ngải cứu có thể giúp làm giảm tình trạng viêm túi mật. Dịch mật tiết ra ổn định, và tất nhiên hỗ trợ gan thực hiện phần việc của mình tốt hơn.
Làm sạch gan mật
Uống trà ngải trong một thời gian ngắn có tác dụng làm sạch gan, mật và hỗ trợ chức năng gan và túi mật.
Thải độc tố
Tác dụng làm sạch gan đồng nghĩa với việc các độc tố cũng được loại bỏ ra khỏi cơ thể. Những độc tố này có thể từ bên ngoài xâm nhập vào, nhưng cũng có do chính bên trong cơ thể tự tạo ra.
Cải thiện hệ tiêu hóa
Gan có nhiệm vụ cùng tham gia vào quá trình tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Nếu gan gặp vấn đề thì bộ máy tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Ngải cứu có tác dụng gián tiếp giúp cải thiện tiêu hóa thông qua gan.
Giảm lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu cao có thể gây hại cho tuyến tụy, gan và sức khỏe tổng thể của bạn. Do đó, ngải cứu rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường và hiện tượng kháng insulin. Kiểm soát đường huyết là điều cần thiết để ngăn ngừa bệnh béo phì, hàm lượng cholesterol và chỉ số chất béo trung tính cao.
Hỗ trợ suy gan
Ngải cứu có thể hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị suy gan, nhưng hãy cân nhắc và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Giảm cơn đau do tắc mật
Khi những viên sỏi gây tắc mật thì ngải cứu được xem là cứu cánh giúp giảm các cơn đau do tắc mật gây ra.
Hỗ trợ điều trị vàng da
Hàm lượng bilirubin tăng trong máu khiến cho da và mắt bị vàng, và nguyên nhân vẫn là do chức năng gan kém, hoạt động không hiệu quả. Ngải cứu là loại thảo dược sẽ giúp hỗ trợ điều trị tình trạng vàng da này.
Làm giảm các triệu chứng rối loạn do gan
Ngải cứu còn giúp làm giảm các vấn đề khác có lên quan đến gan như: giảm thị lực, mẩn ngứa, mề đay, hôi miệng, chán ăn, chứng đau nửa đầu.
Tuy nhiên, ngải cứu là loại thảo dược có dược tính mạnh, bạn không nên áp dụng bất kì bài thuốc nào quá 3 tháng và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Việc sử dụng ngải cứu quá nhiều thậm chí còn gây phản tác dụng với gan.
Mặc dù ăn rau ngải cứu có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể nhưng mọi người không nên lạm dụng nó, việc ăn rau ngải cứu quá nhiều hoặc quá thường xuyên có thể gây ra một số tác dụng phụ không tốt đối với cơ thể. Ăn rau ngải cứu nhiều có thể gây ngộ độc dẫn đến tình trạng chân tay run hoặc co giật dẫn đến tổn thương tế bào não. Mọi người chỉ nên ăn rau ngải cứu từ 1-2 lần trong một tuần, nếu bị bệnh sử dụng ngải cứu khô để uống thì chỉ nên uống từ 3-5gram khô và uống từng đợt, khi khỏi bệnh thì ngưng uống, không nên sử dụng lâu dài.
Một số đối tượng không nên ăn ngải cứu:
- Người bị viêm gan: Tinh dầu trong ngải cứu là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là thành phần có độc tính trong ngải cứu. Người bệnh viêm gan ăn ngải cứu có thể gây rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da...
- Phụ nữ mang thai: Bà bầu ăn quá nhiều ngải cứu trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ bị ra máu, co bóp cổ tử cung dễ dẫn đến sảy thải hoặc sinh non.
- Người bị rối loạn cấp tính: Ngải cứu là một trong những vị thuốc nhuận tràng hiệu nghiệm. Thế nhưng, chính do tác dụng này mà những người bị rối loạn cấp tính cần phải tránh xa ngải cứu, nếu không bệnh tình sẽ khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn.
Yên Thanh (th)