Đường huyết tăng vọt 10 lần vì ăn trái cây thay cơm
Trung QuốcĐể giảm cân, Xiaomao, 21 tuổi đến từ Hàng Châu, đã ăn trái cây thay bữa tối trong một tháng và sau đó phải đi cấp cứu.
Trước khi nhập viện, Xiaomao bỗng thấy chóng mặt, khô miệng, buồn nôn. Sau khi kiểm tra, lượng đường trong máu của Xiaomao đạt 79,98 mol/l, gấp 10 lần người bình thường. Độ pH của máu là 7,05 (phạm vi bình thường là từ 7,35 đến 7,45), có tính axit cao. Theo nhiều chỉ số kiểm tra, kết quả là chàng trai trẻ bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường.
Khi được hỏi về việc ăn trái cây thay cơm, Xiaomao cho biết anh nghĩ hoa quả có thể cung cấp chất dinh dưỡng hàng ngày và giúp anh được lười, không phải nấu nướng gì. "Tôi ăn hai quả chuối, dưa hấu cho bữa tối vì nghĩ chúng vừa có thể giải khát, vừa bổ sung năng lượng", anh nói.
Tại sao nhiễm toan phải cấp cứu?
Chế độ ăn kiêng và hàm lượng đường cao trong trái cây là những yếu tố gây ra bệnh nhiễm toan ceton đái tháo đường ở nam thanh niên. Việc thay thế trái cây cho bữa tối có thể khiến cơ thể con người hấp thụ dinh dưỡng không đồng đều. Ngoài ra, loại trái cây mà nam thanh niên thích ăn có hàm lượng đường cao. Thói quen ăn uống không lành mạnh như vậy gây ra nhiễm toan đái tháo đường.
Theo lời bác sĩ cấp cứu cho Xiaomao, một chàng trai 21 tuổi ăn hai quả chuối mỗi đêm hoặc thêm một ít dưa hấu trong một tháng, nếu anh ta không có tiền sử bệnh lý nền hoặc gia đình mắc bệnh tiểu đường, về lý thuyết, anh ta sẽ không mắc bệnh tiểu đường.
Vì cơ thể người bình thường có chức năng điều hòa đường huyết nên khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể sẽ tiết ra nhiều insulin hơn. Ngược lại, khi nó giảm, cơ thể sẽ tiết ra ít insulin hơn để duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Hơn nữa, khả năng làm tăng đường trong máu của chuối kém hơn so với gạo. Chỉ số đường huyết GI của gạo là 100, trong khi của chuối là 79.
Do vậy, tình huống nhập viện của chàng trai trẻ này là một trường hợp hy hữu. Một vài bác sĩ khác cũng chỉ ra rằng bệnh tiểu đường mới là nguyên nhân khiến anh phải nhập viện cấp cứu.
Nếu bản thân chàng trai trẻ không mắc bệnh tiểu đường, việc ăn kiêng và ăn trái cây thay thế bữa ăn chính sẽ dẫn đến tình trạng "suy dinh dưỡng, hạ đường huyết" thay vì nhiễm toan ceton do đái tháo đường.
Do đó, ăn trái cây thay bữa chính không phải là cách để giảm cân lành mạnh. Việc bỏ qua thực phẩm chủ yếu và chỉ ăn trái cây vào bữa tối thực sự có thể làm giảm lượng calo của bạn, nhưng nó sẽ không bổ sung đủ chất dinh dưỡng mà cơ thể con người cần. Trái cây có lượng calo, protein tương đối thấp.
Một chế độ ăn uống lành mạnh nên bao gồm carbohydrate, protein, chất béo và các chất dinh dưỡng khác. Đặc biệt, protein là chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể con người, nếu nạp không đủ protein trong thời gian dài sẽ rất có hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, bạn sẽ phải đối mặt những nguy hiểm khi bỏ bữa tối trong thời gian dài:
- Suy dinh dưỡng, phù nề và rụng tóc;
- Làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm dạ dày, loét dạ dày và các bệnh khác;
- Để bụng đói trước khi đi ngủ trong thời gian dài có thể dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và ăn quá nhiều.
Dưới đây là cách ăn tối để giảm cân:
- Ăn tối trước khi đi ngủ từ 3 đến 4 tiếng để dạ dày có đủ thời gian tiêu hóa;
- Ăn càng đơn giản càng tốt, không cần quá phong phú. Một bát cơm nên ăn kèm từ 1 đến 2 loại rau;
- Ăn thịt bò, thịt gà hoặc cá. Tránh nạp quá nhiều đạm trong một bữa;
- Đừng ăn vặt vào đêm khuya.
>> Xem thêm bài viết đột quỵ hai lần trong nửa năm vì uống một thứ thay nước
Hằng Trần (Theo Sohu)