'Lỗ hổng' quy định xe đưa đón học sinh nhìn từ vụ bé 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên ô tô
Trước vụ việc một trẻ mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường ở Thái Bình, một số chuyên gia nhận định nguyên nhân còn xuất phát từ “lỗ hổng” của quy định.
Sự việc cháu bé 5 tuổi ở trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP. Thái Bình) được phát hiện bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường suốt một ngày dẫn đến tử vong đã thu hút sự quan tâm vừa xót thương vừa phẫn nộ của dư luận.
Đây không phải là tình huống hy hữu. Cách đây 5 năm, trường hợp tương tự cũng đã xảy ra tại một trường quốc tế tại Hà Nội, khiến bé trai lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Trước vấn đề này, TS Vũ Thu Hương một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho biết: "Có thể nói, đây là sự việc rất đau lòng. Điều đầu tiên ở đây là sự buông lỏng quản lý của nhà trường với việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Sau vụ việc của một trường quốc tế ở Hà Nội xảy ra, đáng ra ngành giáo dục cần phải nhìn nhận lại cách thức đưa đón trẻ bằng xe ô tô như thế nào để đảm bảo an toàn. Dường như chúng ta chưa thực sự quan tâm đến điều này, nên hậu quả vẫn diễn ra'.Theo luật sư Tạ Quốc Long - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện nay chưa có quy định có tính pháp quy cụ thể về quy trình đưa đón trẻ/học sinh đến trường. Về vấn đề chất lượng phương tiện, nếu xe được khai thác dịch vụ có thu tiền thì phải tuân thủ theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.Theo đó, xe ô tô chở học sinh đang được các Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Các phương tiện này phải tuân thủ các quy định về chất lượng phương tiện khi khai thác kinh doanh dịch vụ.
'Đưa đón học sinh bằng phương tiện cơ giới có tính đặc thù không chỉ liên quan đến kinh doanh vận tải mà đòi hỏi những kiến thức về y tế, tâm lý trẻ, lý lịch tư pháp của những người làm việc trực tiếp với trẻ nhỏ (đối tượng dễ bị tổn thương)… Vì vậy, cần quy định chi tiết và chặt chẽ, hoàn thiện cơ chế pháp luật cho loại hình dịch vụ này.Các quy định không chỉ về phương tiện làm dịch vụ, mà còn cần quy định cụ thể về quy trình thực hiện dịch vụ, điều kiện cấp phép hành nghề cho người khai thác dịch vụ đưa đón học sinh. Ngoài Luật giao thông đường bộ, Luật trật tự an toàn giao thông thì các luật có liên quan cũng cần được bổ sung đồng bộ, chẳng hạn như Luật Doanh nghiệp…", luật sư Tạ Quốc Long phân tích.Để không còn vụ việc đáng tiếc như trên xảy ra, TS Vũ Thu Hương cũng đề xuất, Bộ GD&ĐT cần phải đưa ra quy trình, tiêu chuẩn của các trường được phép sử dụng xe ô tô đưa đón trẻ. Chẳng hạn như: Tiêu chuẩn về hợp đồng giữa nhà xe và nhà trường; Những người của trường đi theo xe giám sát, đảm bảo an toàn cho học sinh. Quy định về quy trình đưa đón trẻ nghiêm túc từng khâu một, từ khâu nhận học sinh, di chuyển quãng đường từ nhà tới trường, từ xe ô tô về đến lớp và bàn giao cho cô giáo chủ nhiệm…Sau đó, quy trình ngược lại khi các con từ trường về nhà. Tất cả phải có quy định hết sức rõ ràng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có quy đinh về kiểm tra các nhà trường đưa đón học sinh bằng xe ô tô và các quy trình thực hiện như thế nào. Việc này có thể thực hiện theo hình thức kiểm tra chéo hoặc kiểm tra đột xuất.Và phải có quy định người chịu trách nhiệm cao nhất là hiệu trưởng. Khi hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn bộ cho quy trình, thì chắc chắn họ sẽ giám sát một cách nghiêm túc. Khi có vấn đề xảy ra, người đứng đầu nhà trường không chỉ bị xử phạt theo quy định của ngành mà còn theo quy định của pháp luật, có thể là xử lý hình sự với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.