5 món ăn dân dã giúp thải độc gan thận hiệu quả
PLBĐ - Gan và thận là 2 bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể có tác dụng thải độc tố ra ngoài. Vì vậy, việc thường xuyên thải độc gan, thận giúp chúng khỏe hơn và hoạt động tốt hơn. Dưới đây là 5 món ăn giúp gan thận tự thải độc mà bạn có thể thêm vào thực đơn cho mình và gia đình.
1.Món ăn từ đậu xanh
Đậu xanh đã từ lâu được biết đến là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe với tác dụng giải độc gan, làm mát gan, thanh nhiệt cơ thể. Trong đó, nước đậu xanh rang chính là cách chế biến có khả năng giải độc gan tốt nhất. Việc uống nước đậu xanh mỗi ngày sẽ giúp gan được loại bỏ đi các độc tố tích tụ và làm mát cơ thể.
Tuy nhiên không phải ai cũng thích hợp để ăn đậu xanh. Có một số người nếu ăn đậu xanh không những không có hiệu quả về sức khoẻ mà còn mang bệnh vào người. Đó là những người thể hàn, người già, trẻ em, người bị đau dạ dày và người đang uống thuốc Đông y.
2.Món ăn từ bí đao
Trong Đông y, bí đao có tính mát, vị ngọt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan, lợi tiểu. Bí đao không những là thực phẩm thuộc danh sách ăn tốt cho gan mà còn làm được nhiều loại thức uống làm mát gan. Có rất nhiều cách chế biến bí đao đơn giản mà bạn đều có thể tự làm tại nhà như: bí đao ninh/luộc/hấp, trà bí đao,…
Bí đao tuy mát và lành tính nhưng không phải ai ăn cũng tốt. Một số trường hợp nên tránh ăn loại quả này là người bị huyết áp thấp, người có cơ địa lạnh, người hay bị chướng bụng, đi ngoài…
3.Món ăn từ rau má
Theo y học cổ truyền, rau má có tính mát, vị hơi đắng, không độc và có tác dụng làm mát cơ thể, giải độc, lợi tiểu, chống viêm,… Chính vì có tính hàn và giải độc cơ thể hiệu quả, rau má đã trở thành "dược liệu" dùng để chữa các bệnh về gan như viêm gan hoàng đản, nóng gan,... Rau má có rất nhiều cách chế biến như: gỏi rau má, rau má xào tỏi, canh rau má thịt băm, sinh tố rau má, trà rau má,…
Rau má mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người dùng lạm dụng quá nhiều. Để sử dụng rau má có hiệu quả tốt đối với sức khỏe, bạn chỉ nên uống một cốc rau má tương đương với khoảng 40 gam rau má mỗi ngày và không được uống quá 1 tháng. Nếu muốn dùng tiếp thì bạn nên ngưng sử dụng nửa tháng rồi lại tiếp tục sử dụng.
Những người không nên sử dụng rau má gồm: phụ nữ mang thai hay phụ nữ đang có dự định mang thai, bệnh nhân tiểu đường và những người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm.
4.Món ăn từ cà chua
Cà chua giàu chất xơ, chất chống oxy hóa tự nhiên giúp thanh nhiệt cơ thể. Bên cạnh đó, hàm lượng dồi dào vitamin A, C, E trong cà chua có công dụng tăng cường giải độc gan. Cà chua cũng là loại thực phẩm có nhiều cách chế biến khác nhau. Bạn có thể ăn sống, trộn salad, làm sốt hoặc chế biến kết hợp với những loại thực phẩm khác nhau. Nên lưu ý, khi dùng cà chua làm sốt hoặc kết hợp với các món ăn khác cần hạn chế lượng dầu mỡ trong chế biến vì có thể khiến cho cà chua mất đi công dụng giải độc gan. Ngoài ra, nước ép cà chua là thức uống bạn không nên bỏ lỡ.
Cà chua là thực phẩm rất bổ dưỡng nhưng nó không phù hợp cho tất cả mọi người. Những người tuyệt đối không nên ăn cà chua là: người bị đau dạ dày, đau khớp, người bị thận, bị dị ứng,…
5.Món ăn từ rau ngót
Rau ngót không chỉ là món ăn ngon miệng mà còn có chức năng bổ dưỡng cơ thể, nhuận tràng, giúp thanh nhiệt và giải độc. Kết hợp rau ngót nấu với thịt bằm không chỉ tăng thêm bổ dưỡng, tăng vị mà còn là thức ăn tốt cho gan. Đây được xem là món ăn giải độc gan dễ thực hiện, được các bà nội trợ lựa chọn làm món chính trong bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, với phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu không nên ăn rau ngót vì có thể gây sảy thai tự nhiên. Tốt nhất thai phụ nên sử dụng món ăn này trong giai đoạn hậu sản vừa giúp tăng tuần hoàn máu lại hỗ trợ giải độc gan.
Yến Thanh (th)