Sẽ hết cảnh 'ngáo giá' vàng trong thời gian tới?
Các chuyên gia kỳ vọng việc bán vàng trực tiếp thông qua 4 ngân hàng sẽ giúp bình ổn thị trường, hết cảnh "ngáo giá" vàng đồng thời, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Từ ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, gồm có Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank. Giá bán ra phải tuân thủ theo mức giá do NHNN xác định, căn cứ theo giá thế giới. Phương án này nhằm mục tiêu điều hành giảm giá chênh lệch trong nước và quốc tế so với hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, phương án can thiệp này của NHNN tích cực, có tính khả thi, hiệu quả hơn so với phương án đấu thầu vàng.
Điều này tới từ việc Nhà nước sẽ quyết định giá theo mong muốn để thu hẹp chênh lệch giá trong nước và thế giới. Còn trước đây, giá do các doanh nghiệp và ngân hàng quyết định dựa theo nhu cầu và lợi nhuận nên khó làm cho giá bình ổn. Do đó, nếu làm tốt phương án này một cách đồng bộ, thị trường vàng sẽ hết cảnh "ngáo giá".
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là một giải pháp đúng đắn và cần thiết của NHNN để bình ổn thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Theo ông Hiển, NHNN sẽ nhập lượng cung nhất định và bán dần cho các ngân hàng Big 4. Từ đó giá vàng sẽ hạ dần theo thời gian phụ thuộc lượng vàng được NHNN cung ra. Ông Hiển nhận định, ở giai đoạn đầu, giá vàng chưa thể giảm ngay nhưng quan trọng nhất là phần chênh lệch giá sẽ được điều chỉnh.
Do phẩn chênh lệch này nằm trong tay nhà nước để có dự trữ phòng ngừa rủi ro và điều tiết, thay vì chảy vào túi đầu cơ, buôn lậu. Vì vậy, trong thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ giảm nhiệt.
Cùng quan điểm như trên, trao đổi với Báo Sức khoẻ & Đời sống, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế (Học viện Tài chính) cho rằng, việc NHNN giao việc bán vàng cho 4 ngân hàng lớn sẽ kéo giá vàng miếng trong nước gần với giá vàng thế giới. Do đó, giá vàng miếng SJC sẽ hạ giá trong thời gian tới.
"Giá vàng bán ra cứ theo giá thế giới, cộng với một phần biên lợi nhuận cho 4 ngân hàng sẽ tạo ra mức giá kỳ vọng theo định hướng của NHNN. Điều này sẽ giảm bớt tâm lý đầu cơ, tích trữ. Do đó, ngay khi có thông tin này, thị trường đã xuất hiện lực bán, giá vàng đã bắt đầu suy giảm. Trong thời gian tới, giá vàng tương sẽ đối ổn định, do lượng vàng trên sẽ được bán ra trong thời gian khá dài", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia hay.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc 4 ngân hàng được phép bán vàng trực tiếp có thể gây tâm lý người dân muốn mua vàng giá rẻ tại các ngân hàng này. Theo ông Thịnh, đây là điều không cần thiết khi với giải pháp bình ổn này, giá vàng sẽ được kéo thấp và ổn định trong thời gian tới.
Ngoài ra, với những người đầu cơ mua được vàng ở 4 ngân hàng này để bán lại hưởng chênh lệch sẽ gặp khó khăn, do các đơn vị kinh doanh vàng cũng có thể đăng ký mua trực tiếp từ ngân hàng. "Việc đăng ký sớm để chen chân mua vàng từ các ngân hàng những ngày đầu mở bán là không cần thiết, điều này chỉ gây lãng phí thời gian, sức lực của người mua mà thôi", ông Thịnh chia sẻ.
Về việc bán vàng trực tiếp, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV cho biết, sau khi mua vàng của NHNN, ngân hàng này sẽ tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân ngay. Ngân hàng này cũng đang thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trước mắt là triển khai ngay tại TP.HCM và Hà Nội.
Ngân hàng này xác định nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường của Chính phủ và NHNN nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ NHNN.
Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank khẳng định, với lợi thế mạng lưới giao dịch rộng khắp, ngân hàng này đã triển khai đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể sẵn sàng bắt đầu cung ứng vàng cho người dân từ ngày 3/6. Trước mắt, Agribank sẽ tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM trước khi tiếp tục triển khai mở rộng hơn, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Xem thêm video được quan tâm: