Không nên bổ sung vitamin cho trẻ một cách tùy tiện
PLBĐ - Không ít bậc phụ huynh với mong muốn con trẻ ngày càng khỏe mạnh, phát triển toàn diện đã cho trẻ bổ sung vô tội vạ các loại vitamin mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, mới đây, bệnh viện tiếp nhận 2 anh em ruột V.L. (3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày. Qua thăm khám, xét nghiệm, khai thác tiền sử sử dụng thuốc, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc vitamin D, suy thận cấp do uống quá liều trong thời gian dài. Người thân của bệnh nhi cho biết, vì muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên cho 2 bé uống vitamin D mỗi ngày từ khi các bé sinh ra. Các xét nghiệm cho thấy cả 2 bệnh nhi đều bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, thận hai bên nhu mô tăng âm…, buộc phải điều trị lọc máu, giải độc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vitamin D là chất khoáng có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu, chuyển hóa canxi giúp xương chắc khỏe. Nhiều phụ huynh mong muốn con cao lớn nên cho con uống vitamin D từ nhỏ. Tuy nhiên, việc tăng cường bổ sung vitamin D kéo dài chính là nguy cơ tiềm tàng cho ngộ độc nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn về liều lượng của bác sĩ.
Cũng theo bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia thì vitamin và các chất khoáng là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển cơ thể, nhất là với trẻ em. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ phải hết sức thận trọng vì chúng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bất kỳ thuốc chữa bệnh nào.
Được biết vitamin chia làm 2 nhóm: vitamin tan trong nước và vitamin tan trong dầu. Các vitamin tan trong nước là các vitamin nhóm B, vitamin C, PP, vitamin H. Nếu lượng bổ sung nhiều hơn nhu cầu cơ thể thì sẽ bị đào thải qua hệ bài tiết hoặc tiêu hóa, song nếu bổ sung quá cao so với nhu cầu thì cơ thể có thể bị ngộ độc do đào thải không kịp. Đối với các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K, khi dư thừa sẽ được tích lũy trong cơ thể, không thể đào thải, gây ra những hệ lụy cho sức khỏe người sử dụng.