6 thói quen cần bỏ khi bị thoát vị đĩa đệm

03/06/2024 07:30

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những bệnh lý cột sống thường gặp nhất hiện nay và đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh thường gây cảm giác đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm là một nguyên nhân phổ biến gây đau cột sống thắt lưng, kèm theo các triệu chứng thần kinh tương ứng. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi 30 – 50. Theo thời gian, vòng sụn bên ngoài bị xơ hóa, nhân nhầy của đĩa đệm bị khô, mất tính đàn hồi, thoát vị vào trong ống sống, chèn ép dây thần kinh.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Đa số các trường hợp thoát vị mới bị, chèn ép thần kinh ít, mức độ đau của người bệnh chưa nhiều sẽ được các bác sĩ lựa chọn phương pháp nội khoa. Các chỉ định điều trị bao gồm nghỉ ngơi, dùng đai lưng hỗ trợ, thuốc giảm đau chống viêm và thuốc giãn cơ, hỗ trợ cột sống. Ngoài ra người bệnh cần chú ý đến các thói quen xấu sau để tránh bệnh nặng hơn.

Một số thói quen xấu cần tránh

1. K hông vận động quá sức

Thoát vị đĩa đệm vẫn cần phải luyện tập thể dục thể thao. Điều này không chỉ hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm mà còn giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, hạn chế những bệnh không đáng có. Tuy nhiên khi tập luyện thể dục thể thao người bệnh chú ý không luyện tập quá sức, không phù hợp với khả năng của mình có thể khiến lưng, cột sống và đĩa đệm chịu nhiều áp lực và tổn thương.

Do đó, người bệnh nên tránh các bài tập nặng như cử tạ, đu xà, squat, ép chân, giãn cơ hoặc bất kỳ động tác nào liên quan đến uốn cong lưng và nâng vật nặng. Những bài tập này sẽ khiến cơn đau đĩa đệm ngày càng gia tăng và gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Thay vào đó, người bệnh nên luyện tập thể dục nhẹ nhàng với sức khỏe của mình như đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu … Có thể luyện tập theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

2. T ránh mang vác vật nặng

Với người bệnh thoát vị đĩa đệm cần tránh mang vác nặng. Nếu cố mang vác vật nặng hay chỉ là những cử chỉ như với hoặc cúi lấy đồ cũng có thể gây áp lực lớn đến cột sống và lưng dưới dẫn đến tình trạng xương khớp đau nặng hơn.

Cần mang vác đồ đúng cách và khoa học để bảo vệ cột sống và sức khỏe xương khớp. Hoặc nhờ người khác hỗ trợ thực hiện việc này trong quá trình điều trị hoặc phục hồi thoát vị đĩa đệm.

6 thói quen cần bỏ khi bị thoát vị đĩa đệm - Ảnh 1.
Người bệnh thoát vị đĩa đệm cần tránh mang vác nặng. Ảnh minh họa.

3. Không nằm nhiều, k hông ngồi quá lâu

Mặc dù bệnh thoát vị đĩa đệm có thể chỉ đau âm ỉ nhưng nếu ngồi quá lâu cũng tạo áp lực trực tiếp lên đĩa đệm cột sống thắt lưng. Do đó, người bệnh thoát vị đĩa đệm không nên ngồi trong thời gian dài. Thay vào đó, nên thay đổi tư thế đứng lên, đi lại nhẹ nhàng hoặc nằm sẽ giúp giảm áp lực lên lưng dưới.

Người bệnh thoát vị đĩa đệm cũng không nên nằm nhiều, việc nghỉ ngơi cần hợp lý. Nếu nằm quá nhiều, không vận động sẽ khiến các cơ khớp dần bị co cứng, mất đi tính linh hoạt. Vì vậy, người bệnh thoát vị đĩa đệm vẫn nên thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục các tổn thương diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

4. Hạn chế xoay, vặn, cúi người

Người bệnh thoát vị đĩa đệm cần chú ý đến các động tác xoay, vặn, cúi người để lấy đồ vật, hoặc các động tác chơi thế thao di chuyển nhiều. Các chuyển động như xoay, vặn, cúi người đều chống chỉ định với người thoát vị đĩa đệm, đặc biệt là khi hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần. Do vậy, thay vì xoay, vặn, cúi người làm cong lưng, người bệnh nên giữ thẳng lưng, cổ, ngẩng cao đầu đi di chuyển hoặc làm việc.

Việc làm vườn hay những công việc cần sự hoạt động nhiều ở thắt lưng như hút bụi hoặc giặt giũ quần áo cũng không phù hợp với người bị thoát vị đĩa đệm. Do đó, người thoát vị đĩa đệm nên kiêng các công việc cần nhiều lực từ lưng.

5. Thận trọng khi thay đổi tư thế

Người bệnh thoát vị đĩa đệm cũng cần thận trọng khi thay đổi tư thế ví dụ như đang ngồi đứng dậy hoặc khi đang nằm mà muốn đứng lên hoặc muốn thay đổi tư thế. Các tư thế này người bệnh cần thận trọng, chuyển động từ từ, ngồi dậy trước rồi mới đứng lên, tránh ngồi bật dậy đột ngột gây áp lực lên đĩa đệm.

6. Không ăn uống quá kiêng khem

Nhiều người quá lo sợ béo phì nên ăn kiêng khem quá mức dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, cũng có người ăn uống không cân bằng nên dẫn đến thừa cân. Việc ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng góp phần quan trọng trong việc điều trị và phục hồi đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Theo đó, người bệnh thoát vị đĩa đệm nên có chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Cần ăn thực phẩm chứa nhiều canxi, magie, protein, vitamin C, vitamin K, Omega 3,… Cùng với đó, tăng cường khẩu phần rau xanh trong mỗi bữa ăn. Nên bổ sung sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa.

Nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thức ăn mặn, đồ ăn quá ngọt, đồ ăn nhanh, chế biến chiên xào, cay nóng,… tránh các chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có ga, có cồn, cà phê , thuốc lá, ma túy…

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Nếu thừa cân hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để giảm cân khoa học, giúp giảm gánh nặng xương khớp.

Tóm lại: Thoát vị đĩa đệm là vấn đề thường gặp. Tình trạng này gây nên những cơn đau nhức vô cùng khó chịu và phiền toái, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động hằng ngày. Nếu chủ quan không điều trị kịp thời hoặc tiếp cận sai cách chữa thoát vị đĩa đệm, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hại đến sức khỏe. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ chỉ định của các bác sĩ người bệnh cần chú ý hạn chế thói quen xấu ảnh hưởng đến hệ xương khớp.