Có thể xử lý hình sự vụ giảng viên đại học gây tai nạn liên hoàn

08/09/2022 18:52

Sau khi gây ra vụ tai nạn, tài xế vẫn tăng tốc bỏ chạy và kéo theo chiếc xe máy dưới gầm, bất chấp sự truy đuổi của người dân. Theo luật sư, hành vi của lái xe có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Liên quan đến vụ tài xế ô tô gây tai nạn liên hoàn trên đường Nguyễn Chánh (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), bước đầu, kết quả đo nồng độ cồn tài xế ở mức 0,897 miligam/ lít khí thở, cao gấp hơn 2 lần mức kịch khung theo quy định (0,4 miligam/ lít khí thở).

Người gây tai nạn được xác định là ông T.V.P (SN 1981, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông P là giảng viên một trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Khoảng 21h30, ông P điều khiển ô tô BKS 30F-811.XX lưu thông trên đường Nguyễn Chánh. Khi đến ngã tư Nguyễn Chánh - Tú Mỡ (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) thì va chạm với 2 xe máy trên đường. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế không dừng lại mà tăng ga bỏ chạy, kéo lê 1 xe máy dưới gầm, tóe lửa. Đến ngã tư Nguyễn Chánh giao cắt ngõ 27, xe ô tô ông P tiếp tục va chạm với xe ô tô 30G-644.XX rồi di chuyển thêm một đoạn mới dừng lại.

Vụ việc khiến 2 người bị thương. Tại hiện trường, các phương tiện hư hỏng nặng. Bước đầu ông P khai nhận có uống rượu từ trưa 7/9, do không làm chủ được tốc độ nên gây ra vụ tai nạn liên hoàn.

Có thể xử lý hình sự vụ giảng viên đại học gây tai nạn liên hoàn - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản và sức khỏe của nhiều người tham gia giao thông, có dấu hiệu vi phạm về nồng độ cồn, không làm chủ tốc độ của người lái xe. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ xác định nguyên nhân vụ việc và làm rõ hậu quả của vụ tai nạn để có căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật

"Theo quy tắc khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện giao thông phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát, bật đèn tín hiệu khi chuyển hướng, chuyển làn, giữ khoảng cách đối với xe đi phía trước. Đặc biệt là phải chú ý quan sát khi đi qua những đoạn đường giao nhau, đảm bảo các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông.

Hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong khí thở và máu có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật. Người tham gia giao thông mà vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính cao nhất là 40.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe tới 24 tháng đối với xe ô tô, nếu gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì hành vi này là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự", Ts.ls Cường phân tích.

Có thể xử lý hình sự vụ giảng viên đại học gây tai nạn liên hoàn - Ảnh 2.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Cường cũng cho rằng, với hành vi cố tình bỏ chạy không cứu giúp người bị nạn, trốn tránh trách nhiệm thì đây cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ tốc độ, làn đường, hướng di chuyển, khả năng quan sát và nguyên nhân của vụ tai nạn để xác định người điều khiển phương tiện này có lỗi hay không, nếu có thì đó là lỗi gì dẫn đến vụ tai nạn xảy ra.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có nạn nhân tử vong hoặc thương tích 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, đồng thời có căn cứ cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô này đã có lỗi như thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và có thể bắt tạm giam đối với người lái xe này về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 (BLHS 2015).

Đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên mà vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng đến mức bị xử lý hình sự thì cơ quan tổ chức quản lý cán bộ cũng sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, mức cao nhất có thể áp dụng là cách chức, buộc thôi việc.

Trong vụ việc này, thông tin ban đầu cho thấy người điều khiển phương tiện là giảng viên của một trường đại học. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân của người điều khiển phương tiện, làm rõ diễn biến hành vi và xác định hậu quả xảy ra để sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ tình huống có thể xử lý kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả là nghiêm trọng.

"Thời gian gần đây thì liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà có nguyên nhân từ việc người điều khiển phương tiện say rượu bia dẫn đến không làm chủ được hành vi của mình. Rất nhiều người đã bị xử lý hình sự với những chế tài nghiêm khắc nhưng tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức. Với những người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông thì cần phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật để phòng ngừa, giảm bớt những vụ tai nạn thảm khóc có thể xảy ra:, Ts.Ls Đặng Văn Cường chia sẻ.

Bình Minh