Mở lối cho những phận người “vô danh” ở TP.HCM - Bài 2: Không nơi ở hợp pháp, chuyện làm CCCD quá xa vời

06/06/2024 08:30

Để được cấp CCCD phải có nơi thường trú, muốn có nơi thường trú thì phải có chỗ ở hợp pháp, với một số người đáp ứng yêu cầu này không phải dễ. Phận người 'vô danh' lại một lần nữa gặp vướng.

“Để có CCCD là khó lắm hả chị, mấy năm trời em đi làm mà chỗ nào cũng lắc đầu trả lời làm không được; không có CCCD làm sao em đăng ký học nghề đây?; đã 20 tuổi không có CCCD đi ra đường công an kiểm tra có bị phạt không chị? Sau này em có chồng không có CCCD có được làm giấy kết hôn không?...” - những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản của Anh Thư khiến chúng tôi day dứt mãi khôn nguôi.

20 tuổi với mơ ước có CCCD

Bao năm nay, em Nguyễn Hoàng Anh Thư (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn luôn mong ước có CCCD để được tiếp tục đi học nghề và để tìm được một việc làm ổn định.

Anh Thư cho biết cha mẹ em không đăng ký kết hôn. Năm 2004, em được sinh ra đời. Lúc làm giấy khai sinh cũng chỉ có tên mẹ. Năm 2012, mẹ em có đăng ký thường trú cho em ở địa chỉ bên nhà ngoại tại huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Nhiều năm nay em Nguyễn Hoàng Anh Thư vẫn chạy vạy khắp nơi làm thủ tục xin đăng ký thường trú để làm CCCD. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhiều năm nay em Nguyễn Hoàng Anh Thư vẫn chạy vạy khắp nơi làm thủ tục xin đăng ký thường trú để làm CCCD. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tuy đăng ký thường trú ở Bình Phước nhưng Anh Thư chủ yếu sống với nhà nội ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức để bà nội lo chuyện học hành.

Năm 2014, để thuận tiện đi học nên gia đình nhà nội yêu cầu mẹ em cắt hộ khẩu của em ở Bình Phước để chuyển về TP Thủ Đức. Thế nhưng khi làm thủ tục cắt hộ khẩu xong thì em không liên lạc được với mẹ nữa.

Vì đã cắt hộ khẩu ở tỉnh Bình Phước nhưng không nhập được về TP Thủ Đức nên bao năm nay dù đủ tuổi được cấp CCCD nhưng Anh Thư lại không được cấp. “Vì không được nhập hộ khẩu, không có CCCD nên em chỉ được học hết cấp II. Em mong sao có một nơi nào đó cho em đăng ký thường trú để làm CCCD. Bởi giấy tờ căn nhà của người cô em đang ở không đủ điều kiện đăng ký thường trú” - Anh Thư chia sẻ.

Liên quan đến trường hợp của Anh Thư, PV đã tìm đến Công an phường Hiệp Bình Chánh để nắm thêm thông tin.

Thông tin từ phía Công an phường Hiệp Bình Chánh, cho biết theo quy định của Luật Cư trú, điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình thì phải được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý. Một trong những giấy tờ để giải quyết đăng ký thường trú là phải có giấy tờ chứng minh việc sở hữu nhà. Tuy nhiên, căn nhà mà Anh Thư muốn đăng ký vào lại không có những giấy tờ theo quy định.

“Tôi rất mong sớm được đăng ký thường trú lại, được cấp CCCD để khi tôi mất đi con cháu dễ làm giấy báo tử, rồi đăng ký hỏa táng cho tôi nữa…”.

Mong có CCCD để con cháu dễ lo hậu sự

Có lẽ với nhiều người, việc mong muốn có CCCD để được tiếp tục đến trường hay tìm được công việc ổn định… nhưng với ông Nguyễn Đức Minh (65 tuổi, ngụ phường 1, quận 3) thì khác. Ông Minh mong có CCCD từng ngày để khi ông mất đi, con cái làm giấy khai tử hay đưa ông đi hỏa táng được dễ dàng hơn…

Ông Minh mong có CCCD từng ngày để khi ông mất đi, con cái làm giấy khai tử hay đưa ông đi hỏa táng được dễ dàng hơn…

Ông Minh mong có CCCD từng ngày để khi ông mất đi, con cái làm giấy khai tử hay đưa ông đi hỏa táng được dễ dàng hơn…

Ông Minh nhớ lại: Ông sinh ra và lớn lên ở phường 1, quận 3. Hồi ấy, ông cũng có giấy khai sinh, CMND như bao người khác. Đến năm 1980, ông đi nghĩa vụ quân sự và có giấy báo gọi nhập ngũ. Thế nhưng khi ấy do hoàn cảnh khó khăn, vợ cũng vừa mới sinh con nên ông đã trốn nghĩa vụ quân sự.

“Thời nhỏ, tôi là một thanh niên nhưng không thực hiện nghĩa vụ với đất nước, đó là một điều rất sai. Phần vì sợ trách nhiệm, phần vì cuộc sống nên tôi đi lang bạt khắp nơi để kiếm sống. Xa nhà được gần chục năm, tôi quyết định trở về. Thế nhưng về nhà tôi mới biết mình đã bị cắt hộ khẩu vì trốn nghĩa vụ quân sự. Vì thế, mấy chục năm nay dù CMND của tôi hết hạn mà không thể cấp đổi lại được” - ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cho hay theo lời hướng dẫn, ông đã liên hệ với UBND, công an, ban chỉ huy quân sự phường để được đăng ký thường trú lại nhưng đến nay vẫn không được giải quyết. “Tôi đang bị ung thư và đã cắt 3/4 dạ dày, sống nay chết mai. Tôi rất mong sớm được đăng ký thường trú lại, được cấp CCCD để khi tôi mất đi con cháu dễ làm giấy báo tử, rồi đăng ký hỏa táng cho tôi nữa” - ông Minh nghẹn ngào.

Trước hoàn cảnh của ông Minh, PV cũng đã đến UBND phường 1, quận 3 để tìm hiểu vụ việc. Một đại diện UBND phường 1, quận 3 cho biết trước đây, hội đồng nghĩa vụ quân sự phường có nhận được bản tường trình của ông Minh về việc được đăng ký thường trú lại vì bị cắt hộ khẩu do chống lệnh nhập ngũ.

Do tờ khai của ông Minh không đúng mẫu nên phường có hướng dẫn khai lại. Tuy nhiên, ông Minh chưa khai lại theo hướng dẫn.

Mới đây, ban chỉ huy quân sự quận đã có văn bản gửi đến Công an quận 3 và Công an phường 1 đề nghị hai đơn vị này xem xét giải quyết cho ông Minh nhập lại hộ khẩu.

PV đã liên hệ ông Minh, ông cho biết đang liên hệ công an phường để làm thủ tục đăng ký thường trú lại.

Mọi công dân đều được cấp căn cước

Tại Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 có quy định về điều kiện đăng ký thường trú.

Theo đó, một trong những điều kiện quan trọng để công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình là phải được cả chủ hộ và chủ sở hữu đồng ý cho nhập khẩu.

Đồng thời, tại Điều 5 Nghị định 62/2021 cũng quy định công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu như giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà…

Thế nhưng trên thực tế có những trường hợp không đáp ứng yêu cầu trên. Điều này đồng nghĩa sẽ không được đăng ký thường trú và tất nhiên việc được cấp CCCD cũng là điều không phải dễ.

Tuy nhiên, tại Điều 19 Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7 có quy định người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam;

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 30 Luật Căn cước cũng quy định về giấy chứng nhận căn cước. Theo đó, giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ sáu tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06 Công an TP.HCM, từng trả lời bạn đọc của Pháp Luật TP.HCM về trường hợp công dân đã hơn 14 tuổi chưa có nơi đăng ký thường trú thì có được cấp căn cước không?

Thượng tá Hải cho biết đối với trường hợp này công dân cần liên hệ với công an phường, xã nơi bạn đang cư trú để được hướng dẫn thực hiện việc đăng ký tạm trú hoặc khai báo nơi ở hiện nay.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước, mọi công dân Việt Nam đều được cấp thẻ căn cước.