Giá vàng khi nào chạm đáy?
Chuyên gia nhận định, giá vàng có thể sẽ xuống đến mức 75 - 76 triệu đồng/lượng vì hiện nay giá thế giới đang tương đương khoảng 72 triệu đồng/lượng. Chênh lệch 3 triệu/lượng so với giá thế giới là phù hợp.
Giá vàng còn tiếp tục giảm sâu?
Từ chiều 3/6, bốn ngân hàng và Công ty SJC đồng loạt bán vàng cho người dân với mức giá 79,98 triệu đồng/lượng. Sáng ngày 6/6, giá vàng miếng các thương hiệu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm trượt ngưỡng 78 triệu đồng/lượng. Các ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV đang bán vàng miếng với giá 77,98 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng chiều bán. Như vậy sau 4 ngày các ngân hàng bán vàng, giá vàng miếng liên tục giảm mạnh.Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng cao bất chấp chỉ số USD tăng lên. Ghi nhận lúc 1h ngày 6.6, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở ngưỡng 104,330 điểm (tăng 0,27%). Tuy đã được thu hẹp nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn còn ở mức cao, khoảng 7 triệu đồng/lượng.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, dù trong đà giảm giá liên tiếp song giá vàng trong nước vẫn còn nhiều dư địa giảm để dần dần đưa về mức chênh hợp lý. Người mua có thể đối diện với nguy cơ rủi ro nếu mua vàng thời điểm này do dư địa giảm giá còn rất rộng.TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra lời khuyên đối với người mua vàng là nên tiếp tục quan sát và chờ đợi vì có khả năng giá vàng sẽ tiếp tục xuống thấp. Giá vàng đã giảm 1 triệu đồng từ ngày đầu Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá mở bán cho người dân và có thể sẽ tiếp tục giảm những ngày tới. Chính vì thế, chuyên gia khuyên, người nào muốn mua nên tiếp tục quan sát thị trường, chờ đợi giá tiếp tục giảm.Thời điểm này, đầu tư vàng sẽ rất rủi ro. Chuyên gia khuyên chỉ nên mua vàng như một tài sản cất giữ, phòng ngừa rủi ro, không nên nghĩ đến chuyện kiếm lời ngắn hạn. "Giá vàng sắp tới lên hay xuống không dự báo được, vì phụ thuộc vào giá thế giới. Tuy nhiên mức chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 3-4 triệu đồng là hợp lý.Theo tôi, giá vàng miếng SJC ở mức dưới 80 triệu đồng/lượng như hiện tại là khá hấp dẫn. Nếu người dân muốn mua ít, mua giữ vàng một cách từ từ thì thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu muốn mua ồ ạt, dồn lực vào để mua thì không nên", chuyên gia nhận định.PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, duy trì việc bán vàng trực tiếp cho người dân có được lâu hay không là điều quan trọng đối với thị trường vàng lúc này. Thị trường vàng trong nước có bình ổn được hay không là do lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước cung ra thị trường nhiều hay ít và có thời gian bán lâu dài hay không."Sau khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho người dân giá vàng đã giảm ngay 1 triệu đồng/lượng. Điều này chứng tỏ động thái của Ngân hàng Nhà nước có hiệu quả. Khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán vàng miếng, tôi cho rằng, giá vàng miếng trong có thể giảm về mức 77 - 78 triệu đồng/lượng. Nhưng đến bây giờ giá vàng trong nước thậm chí còn có thể giảm về mức 75 - 76 triệu đồng/lượng", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.Chuyên gia dự đoán giá vàng trong nước sẽ có tiếp tục giảm để tiến sát với giá vàng thế giới, theo mụ tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, việc đầu tư vàng thời gian này tiềm ẩn nhiều rủi ro.Giá vàng sẽ ổn định khi tiệm cận giá thế giới
Chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc kéo sát chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới là vô cùng cần thiết khi thị trường vàng Việt Nam luôn có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Việc này kéo theo rất nhiều hệ lụy như nhập lậu, thất thoát ngân sách, "chảy máu" ngoại tệ, thậm chí dẫn đến môi trường cạnh tranh không lành mạnh, tác động đến đồng ngoại tệ...Chuyên gia Ngô Trí Long đặt vấn đề, việc kéo sát khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới là điều rất cần làm nhưng chênh lệch bao nhiêu là đủ? "Tôi nhớ giai đoạn năm 2013, khi thị trường vàng cũng rơi vào tình trạng bất ổn và Nhà nước đã điều chỉnh, kéo sát xuống khoảng chênh lệch còn 4 triệu/lượng. Cũng nhiều người mong muốn sự chênh lệch chỉ khoảng 2 triệu là ổn. Do đó, kéo sự chênh lệch xuống còn bao nhiêu cũng cần đặt ra và cần tính toán xem mình có đủ khả năng để đưa giá vàng trong nước gần sát với giá thế giới hay không. Khi nào giá thị trường kéo xuống được thực tế như mong muốn mới là lý tưởng vì hiện nay vẫn đang là giá Nhà nước đưa ra", ông Long nói.PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, với phương án để 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC bán vàng cho người dân rất phù hợp để "hạ nhiệt" giá vàng, đồng thời cũng đưa mặt hàng này về ổn định, không tạo ra "cơn sốt" như khoảng thời gian cuối tháng 5. Đồng thời với việc bán hàng chặt chẽ, xuất trình căn cước công dân và các ngân hàng xuất hóa đơn điện tử cho từng người mua sẽ có thể quản lý chặt chẽ hơn và kiểm soát được số lượng. Điều này giúp việc mua bán trở nên minh bạch hơn, tránh tình trạng đầu cơ.Chuyên gia này nhận định, giá vàng có thể sẽ xuống đến mức 75 - 76 triệu đồng/lượng vì hiện nay giá thế giới đang tương đương khoảng 72 triệu đồng/lượng, cộng thêm các khoản như thuế và chi phí in, dập vàng miếng thì chênh lệch 3 triệu/lượng so với giá thế giới là "quá ổn". Do đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: "Người dân không cần thiết chen chân mua vàng tại thời điểm này vì với giải pháp bán hàng theo phương án hiện nay của Ngân hàng Nhà nước thì giá vàng kỳ vọng sẽ được kéo thấp hơn nữa và ổn định trong thời gian tới"."Tôi thấy biện pháp mà Ngân hàng Nhà nướcđưa ra và các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện từ đầu tuần là khá ổn, rất tốt. Nhà nước cần phải can thiệp vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đang do Nhà nước quản lý. Không thể để tự do kinh doanh khi giá cả chênh lệch lớn như giai đoạn tháng 5 được. Vì giá chênh lệch cao sẽ sinh ra chuyện nhập lậu vàng. Mà nhập lậu thì cũng là sử dụng ngoại tệ của chúng ta. Trong khi hiện nay, chúng ta cũng đang quản lý ngoại tệ để có đủ nguồn ngoại tệ nhập khẩu máy móc thiết bị cho sản xuất", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.Xem thêm video đang được quan tâm: