Hà Nội: Nhiều phòng khám răng không phép ngang nhiên hoạt động
Quỳnh Mai•07/06/2024 09:22
Nha khoa Bình Minh, Nha khoa Huyền Trang, Nha khoa Minh Trí (Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) hoạt động khi chưa được cấp phép.
Phản ánh đến báo Sức khỏe và Đời sống, bạn đọc cho biết, tại cổng phụ Khu công nghiệp Quất Động (Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) có nhiều phòng khám nha khoa hoạt động không phép.Từ thông tin phản ánh, PV Báo Sức khỏe và Đời sống đã có mặt tại Quất Động, Thường Tín, Hà Nội để tìm hiểu.Theo ghi nhận của PV, ở khu vực này có 3 phóng khám nha khoa đang hoạt động, bao gồm: Nha khoa Bình Minh, Nha khoa Huyền Trang và Nha khoa Minh Trí. 3 phòng khám này đều tư vấn các dịch vụ khám chữa bệnh về răng miệng như nhổ răng, niềng răng, Imlant, răng sứ thẩm mỹ…
Tuy nhiên, trên biển hiệu của cả 3 phòng khám nha khoa này đều không có thông tin chi tiết về: Tên đầy đủ của cơ sở; Hình thức tổ chức; Số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, số điện thoại; Thời gian hoạt động, theo quy định tại Điều 70, Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định về nội dung biển hiệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Để có thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Ngọc Tuân – Trưởng Phòng Y tế huyện Thường Tín vào sáng 5/6.Trao đổi với PV, ông Tuân cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, UBND huyện Thường Tín đã lập đoàn kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn. Đoàn kiểm tra đã rà soát, phát hiện và yêu cầu hạ biển đối với những cơ sở hoạt động không có giấy phép là phòng khám. Đồng thời, nhắc nhở, yêu cầu chủ phòng khám ký cam kết không hoạt động khi chưa có giấy phép.Ông Tuân khẳng định, Nha khoa Bình Minh, Huyền Trang và Minh Trí đều chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hoạt động là phòng khám. Đại diện của 3 cơ sở này đã ký cam kết không hoạt động khi chưa có giấy phép.
Nha Khoa Minh Trí địa chỉ tại Quất Động, Thường Tín, Hà Nội hiện vẫn chưa gỡ biển hiệu. Ảnh: Quỳnh Mai.
Chiều 5/6, PV đã đến Nha khoa Bình Minh, Huyền Trang và Minh Trí để tìm hiểu thêm sự việc. Ghi nhận thực tế, Nha khoa Huyền Trang hiện đã hạ biển, không có dấu hiệu hoạt động, còn Nha khoa Bình Minh và Nha khoa Minh Trí hiện vẫn còn biển hiệu.Khi PV gọi điện điện số điện thoại xxx827777 của Nha khoa Minh Trí và xxx 5159186 của Nha khoa Bình Minh, những người nghe máy tự xưng là nhân viên của 2 cơ sở này đều khẳng định phòng khám vẫn hoạt động và tư vấn cho PV về các dịch vụ có tại đây.Theo đó, người tự xưng là nhân viên của Nha khoa Bình Minh cho biết, tại Nha khoa Bình Minh hiện có các dịch vụ như niềng răng, nhổ răng khôn, Implant, răng sứ thẩm mỹ… Người này hẹn PV đến để được bác sĩ thăm khám.
Bản cam kết không hành nghề khám chữa bệnh răng hàm mặt của 3 cơ sở Nha khoa Minh Trí, Nha khoa Bình Minh và Nha khoa Huyền Trang đều được ký vào ngày 8/5/2024.
Tương tự, người tự xưng là nhân viên của Nha khoa Minh Trí cũng khẳng định, cơ sở thực hiện rất nhiều dịch vụ như Implant, răng sứ thẩm mỹ, niềng răng… Người này cũng yêu cầu PV cần phải đến trực tiếp "phòng khám" để được bác sĩ kiểm tra nếu có nhu cầu niềng răng."Muốn niềng răng thì phải ra để kiểm tra, chụp phim để xem tình trạng khớp cắn như thế nào rồi mới báo giá… Giờ làm việc là từ 8h sáng đến 19h30 chỉ trừ các buổi trưa", người tự xưng là nhân viên của Nha khoa Minh Trí cho hay.
Phòng khám hoạt động không phép sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang – Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), căn cứ theo Khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP) đối với việc vi phạm hành vi cấm trong khám chữa bệnh sẽ bao gồm hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động.Cụ thể, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động khám chữa bệnh chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh. Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 12 đến 24 tháng, theo quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)."Như vậy, Cơ sở hoạt động không có giấy phép khám, chữa bệnh có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính ở mức phạt tiền cao nhất từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn có hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 đến 24 tháng", luật sư Hoàng Thị Hương Giang thông tin.