Vì sao 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh?

06/09/2022 11:05

PLBĐ - Sau quá trình thanh tra tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu từ hồi đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Công Thương đã xử phạt và tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu thêm 5 doanh nghiệp.

5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa bị xử phạt, bao gồm cả hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM (Saigon Petro); Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương. Theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp này bị tạm tước giấy phép trong 1 tháng, từ ngày 31/8.

Được biết, việc Thanh tra Bộ Công Thương ký quyết định tước giấy phép kinh doanh của 5 doanh nghiệp nêu trên là kết quả của hoạt động thanh tra với 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Thanh tra Bộ Công Thương thực hiện từ hồi tháng 2/2022.

Các quyết định xử phạt đã được gửi đến các doanh nghiệp trên qua đường bưu điện. Cơ quan Thanh tra Bộ Công Thương đã ra quyết định xử phạt với 5 doanh nghiệp này và yêu cầu nộp giấy phép về Bộ.

Vì sao 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đó, có 7 doanh nghiệp đầu mối cũng bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26/7); Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18/7; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13/7); Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28/7); Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19/7); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7/7); Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12/7). Những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu này bị tước giấy phép là bởi thiếu điều kiện kinh doanh xăng dầu, như thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký...

Đến ngày 29/8, cơ quan quản lý đã hoàn thành trả giấy phép cho 5/7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tạm rút giấy phép. Tới ngày 14/9, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục trả lại giấy phép cho 2 doanh nghiệp còn lại. 

Như vậy, đến nay, đã có 12 doanh nghiệp bị rút phép có thời hạn sau đợt thanh tra 33 đầu mối của Bộ Công Thương.

Ngày 31/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định thành lập 3 tổ công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Theo đó, Tổ công tác số 1 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm Tổ trưởng, đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu của Tổng cục QLTT, các Cục QLTT, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tại các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Bắc và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng thời, tiếp nhận thông tin, phản ánh và chỉ đạo kịp thời hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa bàn nêu trên.

Tổ công tác số 2 do Thứ trưởng Đặng Hoàng An làm Tổ trưởng, phụ trách địa bàn các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Trung (từ Quảng Bình trở vào) và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa.

Tổ công tác số 3 do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Tổ trưởng, triển khai các nhiệm vụ như trên tại các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Nam và các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Các tổ công tác có nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt các cơ sở có biểu hiện vi phạm khi ngừng bán hàng không có lý do chính đáng, giảm thời gian bán hàng sai quy định. Cả 3 tổ công tác sẽ thực hiện nhiệm vụ đến hết ngày 31/12/2022.

T.H (th)