Lý do không nên bỏ bữa sáng
Các chuyên gia cảnh báo việc bỏ bữa sáng có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp, mệt mỏi, sương mù não và phản ứng cảm xúc.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, giúp tăng cường trao đổi chất, cung cấp nền tảng dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ, một phần tư người dân nước này bỏ bữa sáng.
Một số chuyên gia cho rằng khi bạn bắt đầu ngày mới với lượng đường huyết thấp, bạn dễ bị mệt mỏi, sương mù não và phản ứng cảm xúc. Lý tưởng nhất là lịch trình ăn và ngủ phải phản ánh đúng đồng hồ tự nhiên của cơ thể.
"Bắt đầu ngày mới lúc 6h và kết thúc hoạt động lúc 22h là phù hợp với nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể", tiến sĩ Naheed Ali gần đây nói với GB News. "Việc kết hợp phương pháp này vào thời gian bữa ăn có thể nâng cao hơn nữa khả năng đốt cháy mỡ bụng của cơ thể. Tốt nhất nên ăn bữa sáng trong vòng một giờ sau khi thức dậy, khoảng 7h, để bắt đầu quá trình trao đổi chất".
Một lý do khiến nhiều người bỏ qua bữa sáng là vì ghrelin, còn được gọi "hormone gây đói", không phản ứng mạnh cho đến tận cuối ngày.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Emily Cooper, giám đốc y tế của Trung tâm Trao đổi chất Cooper ở Seattle, nói với HuffPost, một bữa sáng, ngay cả khi bạn không cảm thấy đói và nó không hoàn toàn tốt cho sức khỏe, vẫn cần thiết. Cô giải thích: "Nếu bạn không ăn đủ vào đầu ngày, mức độ ghrelin sẽ tăng lên sau đó. Cơ thể bạn đang cố gắng bù đắp tất cả những thứ bạn đã bỏ lỡ".
Đối với Cooper, việc không ăn sáng dẫn đến những quyết định ăn uống liều lĩnh vào cuối ngày, một loạt lựa chọn sai lầm có thể gây ra béo phì.
Nhịn ăn gián đoạn
Nhóm bỏ bữa sáng nổi tiếng nhất có thể là những người thực hiện chế độ nhịn ăn gián đoạn (IF). Một nghiên cứu từ tháng ba kết luận rằng những người hạn chế ăn chỉ 8 giờ mỗi ngày có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 91%.
Cooper là một trong những chuyên gia phản đối việc nhịn ăn gián đoạn. "Tôi chưa bao giờ là fan của phương pháp này. Nó không có ý nghĩa trao đổi chất".
Trong khi đó, những người ủng hộ nhịn ăn gián đoạn cho rằng chế độ này giúp giảm viêm, giảm cân và điều chỉnh hệ sinh thái đường ruột; đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh chính, bao gồm cả bệnh tiểu đường.
Ăn cái gì mới quan trọng, không phải ăn lúc nào
Một số tài liệu cho rằng những gì bạn ăn quan trọng hơn thời điểm ăn.
Tiến sĩ Jonathan Rosand, đồng sáng lập Trung tâm Sức khỏe não McCance của Massachusetts và là giáo sư thần kinh học tại Trường Y Harvard, nhấn mạnh với HuffPost rằng chế độ ăn nhiều rau, rau xanh và thực phẩm giàu omega-3 là chìa khóa để ngăn ngừa trầm cảm, đột quỵ, mất trí nhớ.
Khuyến nghị của Rosand lặp lại nghiên cứu cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải hỗ trợ nhận thức lành mạnh khi chúng ta già đi.
Ăn sáng hay không ăn sáng?
Quyết định ăn gì và ăn khi nào cuối cùng là tuân theo nhu cầu của cơ thể, và không có phương trình chăm sóc chung nào phù hợp cho tất cả. Rosand nói: "Mục tiêu cuối cùng là bạn cảm thấy thoải mái và chăm sóc bản thân tốt hơn. Đừng quá khắt khe với chính mình".
Hướng Dương (Theo NY Post)