Những loại quả được đặt trên mâm cúng Tết Đoan ngọ

09/06/2024 06:00

Tết Đoan ngọ đến đúng mùa nhiều loại trái cây chín rộ, gia chủ có thể tùy theo sở thích, truyền thống của gia đình, địa phương để chọn làm lễ vật dâng cúng.

Đón Tết Đoan ngọ (ngày 5/5 Âm lịch), các gia đình chuẩn bị chỉn chu mâm cúng, trong đó không thể thiếu trái cây. Gia chủ sẽ cẩn thận chọn những loại hoa đẹp nhất, loại quả ngon nhất để bày lên bàn thờ giúp mang lại  may mắn, bình an cho gia đình.

Những loại quả được đặt lên bàn thờ Tết Đoan ngọ

Tết Đoan Ngọ là thời điểm các loại trái cây vào mùa chín rộ, gia chủ hoàn toàn có thể lựa chọn những loại quả ngon ngọt, tùy theo điều kiện gia đình, quan niệm vùng miền để dâng cúng trong dịp lễ này.

Dưới đây là những loại quả thường được đặt trên mâm cúng Tết Đoan ngọ.

Những loại quả được đặt trên mâm cúng Tết Đoan ngọ-1
Những loại quả được đặt trên mâm cúng Tết Đoan ngọ

Đào

Quả đào không chỉ nổi tiếng với hương thơm đặc trưng mà còn được coi là biểu tượng của sự trường thọ và may mắn trong văn hóa Việt Nam. Loại quả này thường được sử dụng để dâng cúng trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt là trong ngày Tết Đoan ngọ.

Gia chủ thường chọn những quả đào chín tới, có hình dáng đẹp và màu sắc bắt mắt để làm vật phẩm dâng trong lễ cúng. Việc lựa chọn quả đào không chỉ mang ý nghĩa tinh thần mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với truyền thống lễ cúng.

Quả đào cũng được xem là biểu tượng của sự phồn vinh và thịnh vượng. Việc dùng quả đào trong lễ cúng Tết Đoan ngọ là cách thể hiện lòng biết ơn thần linh, tổ tiên, hy vọng một mùa bội thu.

Mận

Tết Đoan ngọ cũng là lúc mận vào mùa chín rộ, được bán rất nhiều tại các chợ, cửa hàng hoa quả và siêu thị. Với hình dáng tròn trịa, căng mọng và màu đỏ rực, quả mận không chỉ thu hút ánh nhìn mà còn mang theo ý nghĩa cầu vận rủi qua đi, mong phước lành đến.

Mận được coi là biểu tượng của sự may mắn và sức khỏe. Việc dùng quả mận để dâng cúng tổ tiên và thần linh trong dịp Tết Đoan ngọ là một truyền thống phổ biến, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc.

Ở miền Nam, mặc dù quả mận cũng thường được bày bán nhưng ít người dùng để thắp hương.

Vải

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch, trùng với mùa vải chín rộ, quả ngon và giá cả phải chăng. Người Việt thường mua những chùm vải chín đều và đẹp để dâng lên mâm cúng, không chỉ để tạo sự bắt mắt mà còn cầu sự thuận lợi, thịnh vượng cho gia đình.

Những quả vải chín đẹp mắt trên mâm cúng không chỉ tạo nên bức tranh trang trọng mà còn mang theo ý nghĩa mong cầu danh lợi đều đạt.

Dưa hấu

Trong các loại trái cây thường được dùng để cúng vào các dịp lễ, Tết của người Việt, dưa hấu dễ được lựa chọn nhờ vẻ ngoài bắt mắt và ý nghĩa tốt đẹp.

Đặc biệt trong Tết Đoan Ngọ, quả dưa hấu đỏ mọng, ruột mọng nước được xem là thực phẩm lý tưởng để dâng lên bàn thờ tổ tiên và các vị thần linh.

Đón Tết Đoan ngọ với dưa hấu đỏ thắm trên bàn thờ không chỉ mang ý nghĩa cầu may trong nông vụ mà còn là lời cầu mong cuộc sống luôn đầy đủ, an yên.

Chôm chôm

Tháng 5 Âm lịch hàng năm cũng là thời điểm chôm chôm chín rộ, có màu sắc đỏ tươi đẹp mắt. Loại quả này được bán rất nhiều ở khắp nơi, tại các chợ, cửa hàng bán trái cây, siêu thị, nhất là ở miền Nam và miền Tây.

Chôm chôm là một trong những loại quả được đặt trên mâm cúng Tết Đoan ngọ. Những chùm chôm chôm tươi ngon, chín mọng được đặt lên bàn thờ với hy vọng mang lại sự bình an, may mắn cho gia đình.

Loại quả này không chỉ có hình thức đẹp mà còn mang nhiều giá trị dinh dưỡng. Chôm chôm giàu vitamin C, chất xơ và các khoáng chất như kali, magiê, đồng... rất tốt cho sức khỏe.

Lưu ý

Trái cây mùa hè rất đa dạng và bạn dễ dàng chọn những loại quả được đặt trên mâm cúng Tết Đoan ngọ. Điều quan trọng là chọn loại vừa đủ chín, còn nguyên và lành lặn để bày lên bàn thờ. 

Trái cây dập nát hoặc chín nẫu có thể thu hút ruồi muỗi, gây ô uế cho không gian thờ cúng.

Không nên chọn những quả có mùi quá nồng (như sầu riêng) để đặt lên bàn thờ. Thay vào đó, nên mua loại quả có hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng, để tạo không gian thơm mát và dễ chịu.

Tránh bày những quả giả lên bàn thờ của tổ tiên và thần linh. Việc sử dụng đồ giả có thể được coi là thiếu tôn trọng và không tốt cho phong thủy của không gian thờ cúng.

Theo VTC