Tết Đoan Ngọ 2024: Ăn cơm rượu nếp có thổi lên nồng độ cồn?
Rượu nếp là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ nhưng nhiều người băn khoăn về việc liệu có thể bị xử phạt liên quan đến nồng độ cồn.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, cơm rượu nếp chứa lượng cồn rất thấp do chỉ được ủ trong 3 ngày, trong khi rượu thông thường cần ủ từ 7-10 ngày. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều cơm rượu nếp, đặc biệt lúc đói, vẫn có thể gây say. Hơn nữa, dù nồng độ cồn thấp, ăn nhiều cơm rượu nếp vẫn có thể dẫn đến vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Do đó, sau khi ăn 1/3 bát cơm rượu nếp, bạn nên đợi vài tiếng trước khi lái xe.
Theo Tiến sĩ Hưng, cơm rượu nếp là món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5, không chỉ mang ý nghĩa truyền thống mà còn có lợi ích cho sức khỏe, giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư.
Cơm rượu nếp là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Sau ăn rượu nếp bao lâu thì lái xe không lo "dính" cồn?
Báo Dân trí dẫn lời các chuyên gia y tế cho hay, tốc độ đào thải cồn khỏi cơ thể phụ thuộc nhiều yếu tố, như loại bia rượu, nồng độ cồn trong bia rượu/thực phẩm, uống lúc no hay đói, tuổi tác, giới tính, di truyền, cân nặng của người uống…
Có một điều chắc chắn là càng uống nhiều bia rượu hoặc ăn nhiều rượu nếp thì nồng độ cồn trong cơ thể càng cao.
Bên cạnh đó, nồng độ cồn còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý của từng người. Có người ăn uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml); 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml); 1 vại bia hơi (330ml); hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml).
Như vậy, để không bị thổi phạt về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy và motor không nên uống quá 2 đơn vị uống chuẩn, tương đương với 1,5 lon bia hoặc 2 ly rượu.
Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất thêm 1-2 giờ nữa.
Những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Theo tính toán, sau 6-12 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong máu, sau 12-24 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong khí thở, sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu, và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.
Hiện nay, cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo bằng ống thở. Như vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, ít nhất 24 giờ sau khi uống rượu bia hoặc sử dụng thực phẩm chứa cồn bạn hãy lái xe.
Lợi ích của cơm rượu nếp
Tăng cường sức khỏe tim mạch: Các chất chống oxy hóa trong rượu nếp giúp giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác.Chất xơ trong nếp có lợi cho tim mạch và kiểm soát huyết áp.
Cải thiện hệ tiêu hóa: Quá trình lên men tạo ra các lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và giảm các triệu chứng khó tiêu, táo bón.Chất xơ trong nếp giúp tăng cường nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón.
Tăng cường hệ miễn dịch: Vitamin và khoáng chất trong rượu nếp, đặc biệt là vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các bệnh cảm cúm, nhiễm trùng.
Giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng: Một số nghiên cứu cho thấy, các thành phần trong rượu nếp có thể giúp giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện tâm trạng.
Phòng ngừa ung thư: Các nghiên cứu mới đây cho thấy, cơm rượu nếp có thể giúp phòng ngừa một số loại ung thư nhờ các chất chống oxy hóa và các hợp chất khác.
Theo Người Đưa Tin