9 câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là bệnh trong đó các tế bào ác tính hình thành trong các mô của tuyến giáp. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp khác nhau. Tuổi tác, giới tính và việc tiếp xúc với bức xạ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư tuyến giáp.
1. Đông y có chữa được bệnh ung thư tuyến giáp không?
Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh Đông y có thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư tuyến giáp . Tuy nhiên, một số phương pháp Đông y hỗ trợ điều trị, cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
2. Tiên lượng của người bệnh ung thư tuyến giáp là gì?
ThS.BS Hoàng Vũ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư tuyến giáp là bệnh lý tiên lượng tốt. Tỷ lệ sống thêm 10 năm trung bình của nhóm biệt hóa khoảng gần 90%.
Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót có thể khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh và các yếu tố khác.
3. Làm gì để giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp?
Mặc dù không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư tuyến giáp nhưng nên làm một số điều để giảm nguy cơ mắc bệnh như: Duy trì cân nặng hợp lý; Ăn chế độ ăn uống lành mạnh ; Tập thể dục thường xuyên; Hạn chế tiếp xúc với bức xạ và khám sức khỏe định kỳ.
4. Ung thư tuyến giáp lan nhanh như thế nào?
Nó phụ thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh ung thư. Một số bệnh ung thư tuyến giáp có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để lan rộng. Tuy nhiên ung thư tuyến giáp mất biệt hóa lan rất nhanh.
Nếu không được điều trị, ung thư tuyến giáp có thể phát triển và lan sang các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
5. Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?
Hầu hết những người bị ung thư tuyến giáp đều đáp ứng tốt với điều trị và tiên lượng nói chung là tốt. Tuy nhiên, một số dạng ung thư tuyến giáp nguy hiểm. Các loại ung thư tuyến giáp hiếm gặp hơn sẽ lây lan nhanh hơn. Ví dụ, một số trường hợp vào thời điểm ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy được chẩn đoán đã lan đến các hạch bạch huyết . Trong những trường hợp nặng, nó cũng có thể lan đến xương và phổi. Ung thư tuyến giáp Anaplastic thường lây lan đến khí quản và trong một số trường hợp là phổi.
6. Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không?
Các bệnh ung thư tuyến giáp có thể được chữa khỏi nếu chúng chưa lan đến các bộ phận xa của cơ thể. Nếu ung thư không thể chữa khỏi, mục tiêu điều trị là giữ cho nó không phát triển, lan rộng càng lâu càng tốt.
Việc chữa trị triệt để không thực hiện được khi ung thư đã đến giai đoạn IV. Hầu hết các loại ung thư tuyến giáp đều có tỷ lệ chữa khỏi 100% ở giai đoạn đầu (giai đoạn I và II). Vì vậy, người bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt.
7. Ung thư tuyến giáp có đau không?
Trong nhiều trường hợp, ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu không gây ra triệu chứng đáng chú ý. Khi ung thư tiến triển, dấu hiệu đầu tiên là một khối u không đau nhưng phát triển nhanh, có thể sờ thấy ở cổ. Khối u cứng hơn đáng kể so với các mô xung quanh.
8. Ai có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp?
Ung thư tuyến giáp phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới trong độ tuổi sinh sản, từ 40 đến 44. Nam giới có nhiều khả năng phát triển ung thư tuyến giáp ở độ tuổi lớn hơn, phổ biến nhất trong độ tuổi từ 70 đến 74.
9. Chi phí khám bệnh tuyến giáp
Chi phí khám tuyến giáp tại các bệnh viện phụ thuộc vào các dịch vụ cụ thể.
Chi phí khám lâm sàng:
- Khám nội tiết: 260.000 đồng/lượt
- Khám chuyên khoa Nội tiết: 310.000 đồng/lượt
Chi phí xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu: Giá dao động tùy theo loại xét nghiệm cụ thể, thường từ 200.000 - 500.000 đồng/xét nghiệm.
- Xét nghiệm nước tiểu: Giá dao động tùy theo loại xét nghiệm cụ thể, thường từ 100.000 - 300.000 đồng/xét nghiệm.
Chi phí chẩn đoán hình ảnh:
- Siêu âm tuyến giáp: 380.000 đồng/lượt
- Chụp X-quang tuyến giáp: 150.000 đồng/lượt
- Chụp CT tuyến giáp: 1.500.000 - 3.000.000 đồng/lượt
- Chụp MRI tuyến giáp: 3.000.000 - 5.000.000 đồng/lượt
Chi phí sinh thiết:
Sinh thiết kim mịn (FNA) tuyến giáp: 2.000.000 - 3.000.000 đồng/lượt