Đặt chậu nước đá trước quạt để làm mát nhằm tiết kiệm điện: Chuyên gia chỉ ra hiểm họa rình rập khiến nhiều người bất ngờ

11/06/2024 08:34

Nhiều người tưởng rằng cách làm này lợi đủ đường. Song thực tế, nó tồn tại những hiểm họa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.

Nắng nóng gia tăng khiến hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình cũng tăng chóng mặt do sử dụng máy lạnh trong thời gian dài. Để tiết kiệm điện, nhiều người sáng chế ra quạt hơi nước để dịu đi cơn nóng.

Đặt chậu nước đá trước quạt để làm mát nhằm tiết kiệm điện: Chuyên gia chỉ ra hiểm họa rình rập khiến nhiều người bất ngờ- Ảnh 1.

Cách làm phổ biến của nhiều gia đình là dùng quạt thổi vào những thùng nước đá để hạ nhiệt độ phòng. Một số người xem trên Tiktok còn đục lỗ nhỏ trên thùng xốp rồi gắn một chiếc quạt mini (để hút gió vào) kế bên là ống nhựa để hơi nước thoát ra. Bên trong thùng xốp, bạn cần bỏ đá vào. Khi bật quạt, hơi mát sẽ tỏa ra, làm không khí bớt oi nóng.

Thực tế, cách làm này mang đến lợi ích không ngờ là làm mát và tiết kiệm điện khá hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng ‘điều hòa tự chế’ bạn sẽ không kiểm soát được nhiệt độ. Điều đó có thể gây ra nguy hiểm cho sức khỏe nếu để lạnh quá mức.

Đặc biệt, trên truyền thông, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khẳng định quạt hơi nước tự chế sẽ làm độ ẩm trong phòng tăng cao, có thể tạo điều kiện cho nấm mốc, các loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe phát triển. Trẻ em hoặc người lớn có sức đề kháng thấp rất dễ mắc các bệnh tai, mũi, họng do không khí ẩm thấp. Nếu thùng nước đá không được vệ sinh hàng ngày sẽ trở thành nguồn nước bẩn, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc sử dụng quạt hơi nước tự chế không đúng cách còn làm giảm tuổi thọ của đồ đạc trong nhà. Bởi khi độ ẩm trong phòng tăng cao, các thiết bị điện tử bị ẩm, các chi tiết kim loại bị ăn mòn, các mối hàn rỉ sét, tình trạng chập cháy dễ xảy ra.

Vậy nên, thay vì sử dụng quạt hơi nước tự chế, bạn hoàn toàn có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản dưới đây để giảm nhiệt cho không gian sống:

Tăng mảng xanh

Trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà là biện pháp truyền thống nhưng bền vững và hiệu quả để giải nhiệt lâu dài cho không gian sống. Nếu không thể trồng những cây lớn bởi những hạn chế về mặt thời gian và không gian, bạn có thể thiết kế một giàn cây dây leo bên ngoài ngôi nhà, vừa mát vừa đẹp.

photo-1717818214556

Kéo kín rèm cửa

Theo nhiều nghiên cứu, một phần lượng nhiệt không mong muốn trong những ngày nắng nóng đến từ các cửa sổ. Chưa kể, việc kéo rèm để che ánh nắng chiếu vào nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều tiền điện.

Nói cách khác, việc đóng rèm cửa sẽ giúp ngăn nguy cơ ngôi nhà của bạn bị biến thành một nhà kính thu nhỏ, đặc biệt nếu cửa sổ trong nhà hướng nam hoặc tây.

Vì vậy, khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ, bạn nên đóng kín cửa sổ, kéo rèm che. Ngoài ra, cần chú ý chất liệu và màu sắc của rèm che để tối ưu hiệu quả chống nắng. Theo đó, những chất liệu thô, dày và các gam màu trầm sẽ giúp rèm cửa trở thành “lá chắn nhiệt” cho không gian bên trong ngôi nhà, đồng thời tạo cảm giác mát mẻ, dễ chịu hơn cho gia chủ.

Đổi ga giường

Thay đổi bộ ga giường theo mùa không chỉ giúp làm mới phòng ngủ, mà còn là cách hữu hiệu để làm mát. Trong khi các loại vải dạ hay sợi tổng hợp tạo cảm giác ấm áp, bộ ga giường vải cotton sẽ giúp bạn mát mẻ và thoải mái hơn trong nhiệt độ nóng.

Đặt chậu nước đá trước quạt để làm mát nhằm tiết kiệm điện: Chuyên gia chỉ ra hiểm họa rình rập khiến nhiều người bất ngờ- Ảnh 3.

Chuyển sang nằm chiếu, hoặc sử dụng gối, đệm nước cũng là lựa chọn giải nhiệt hấp dẫn cho mùa hè oi bức. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra và chọn mua sản phẩm có chất lượng tốt để tránh tình trạng bục vỡ, chảy nước khi sử dụng.

Tắt các nguồn nhiệt trong nhà

Một trong những cách làm mát phòng khi không có điều hòa là tránh để không gian phát sinh thêm nhiều nhiệt lượng. Các loại bóng đèn sợi đốt thường sẽ tỏa ra lượng nhiệt lớn. Đèn compact là thiết bị tiết kiệm điện và năng lượng hiệu quả hơn. Do đó, hãy sử dụng bóng đèn compact như là cách làm mát phòng hiệu quả.

Ngoài ra, nên tắt đèn bàn và máy tính khi không sử dụng. Tivi cũng là thiết bị tạo ra nhiệt lượng lớn khiến căn nhà thêm bức bối. Tắt ngay các thiết bị khi không có nhu cầu sử dụng vừa giảm nhiệt lượng trong phòng, vừa tiết kiệm điện.

Tự làm mát cơ thể

Bên cạnh làm mát cho căn phòng, chúng ta có thể tập trung vào việc làm mát cơ thể của mình. Một số biện pháp đơn giản là mặc quần áo thoáng mát, sử dụng chiếc khăn lạnh đắp trên những vùng cơ thể nóng như cổ, bên trong khuỷu tay, uống những loại nước mát giải nhiệt.