7 thực phẩm đốt cháy chất béo nên ăn khi giảm cân

11/06/2024 15:44

Thêm thực phẩm đốt cháy chất béo vào chế độ ăn có lợi cho quá trình giảm cân. Tham khảo 7 loại thực phẩm đốt cháy chất béo vào chế độ ăn kiêng.

Một số loại thực phẩm có thể giúp đốt cháy chất béo và giảm cân , vì vậy thực phẩm đốt cháy chất béo nên là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.

Tuy nhiên, thực phẩm không có khả năng tự đốt cháy chất béo hay giảm mỡ mà chỉ góp phần tăng cường trao đổi chất và tạo cảm giác no lâu. Do đó cần kết hợp với hoạt động thể chất thường xuyên để đốt cháy chất béo trong quá trình giảm cân.

1. Quả táo giúp ngừa mỡ nội tạng hỗ trợ giảm cân

7 thực phẩm đốt cháy chất béo nên ăn khi giảm cân- Ảnh 1.
Táo có thể hỗ trợ giảm cân do ít calo, giàu chất chống oxy hóa, chứa chất xơ...

Táo có thể hỗ trợ giảm cân vì một số lý do: chúng ít calo, giàu chất chống oxy hóa , chứa chất xơ và có vị ngọt tự nhiên, thúc đẩy cảm giác no, ngăn chặn cảm giác thèm đồ ngọt. Kết hợp táo với một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng cho thấy táo có chứa polyphenol giúp ngăn ngừa mỡ nội tạng tích tụ ở những người có chỉ số BMI và cân nặng cao.

2. Đậu lăng giúp tăng cường trao đổi chất

7 thực phẩm đốt cháy chất béo nên ăn khi giảm cân- Ảnh 2.
Đậu lăng giàu năng lượng, giúp tăng cường trao đổi chất.

Đậu lăng có tác dụng trong việc giảm cân. Đậu lăng là nguồn cung cấp carbohydrate phức tạp, giúp tăng cường trao đổi chất và giúp bạn đốt cháy chất béo. Ăn nhiều đậu lăng có thể giúp mọi người duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân. Thay thế thực phẩm giàu năng lượng (hoặc nhiều calo) bằng các loại đậu như đậu lăng giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát béo phì, giảm cân.

3. Trà xanh giúp phân hủy chất béo dư thừa

Trà xanh là một trong những đồ uống phổ biến nhất được khuyên dùng để giảm cân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà xanh có chứa caffeine và một loại flavonoid gọi là catechin - chất chống oxy hóa có thể giúp giảm cân nhờ cải thiện hiệu suất tập thể dục và đốt cháy mỡ trong cơ thể.

Trà xanh giúp quá trình trao đổi chất của cơ thể hiệu quả hơn. Các quá trình cho phép cơ thể chuyển đổi thức ăn và đồ uống thành năng lượng có thể sử dụng được gọi chung là quá trình trao đổi chất. Nghiên cứu gợi ý rằng cả hai hợp chất caffeine và flavonoid giúp tăng tốc độ trao đổi chất. Catechin phân hủy chất béo dư thừa, catechin và caffeine đều làm tăng lượng năng lượng mà cơ thể sử dụng.

Một đánh giá được công bố vào năm 2010 cho thấy các chất bổ sung trà xanh có chứa catechin hoặc caffeine có tác động nhỏ đến việc giảm cân và kiểm soát cân nặng . Tuy nhiên, trà xanh được sử dụng cùng với các phương pháp như tập thể dục thường xuyên và ăn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau quả mới có thể giảm cân hiệu quả. Uống khoảng 2-3 cốc trà xanh hàng ngày mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

4. Quả dứa đốt cháy calo nhanh để giảm cân

7 thực phẩm đốt cháy chất béo nên ăn khi giảm cân- Ảnh 4.
Dứa là một thực phẩm trong chế độ ăn giảm cân lành mạnh.

Dứa là một thực phẩm trong chế độ ăn giảm cân lành mạnh, ngon miệng mà không cần bổ sung thêm calo vào chế độ ăn uống. Dứa có chứa một loại enzyme gọi là bromelain, được chứng minh là có tác dụng tăng cường trao đổi chất. Tỷ lệ trao đổi chất cao hơn có nghĩa là cơ thể đốt cháy calo nhanh hơn, giúp giảm cân tốt hơn. Bromelain cũng hỗ trợ tiêu hóa khiến cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm ăn hiệu quả. Dứa còn chứa một lượng lớn chất xơ, chất xơ tiêu hóa chậm trong cơ thể giúp no lâu hơn, điều này quan trọng cho việc giảm cân. Chất xơ trong dứa thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hoạt động như thuốc nhuận tràng tự nhiên.

5. Cháo bột yến mạch kiểm soát thèm ăn

7 thực phẩm đốt cháy chất béo nên ăn khi giảm cân- Ảnh 5.
Cháo bột yến mạch giàu chất xơ.

Chứa nhiều carbs và chất xơ, yến mạch tạo nên một bữa sáng hoàn hảo ít calo. Bằng cách thúc đẩy cảm giác no, ngăn ngừa ăn quá nhiều, cháo yến mạch có thể hỗ trợ nỗ lực giảm cân khi được tiêu thụ như một phần của chế độ ăn kiêng kiểm soát lượng calo, giảm nguy cơ béo phì. Một nghiên cứu được công bố trên Báo cáo Dinh dưỡng hiện tại cho thấy ăn yến mạch giúp kiểm soát cân nặng, kiểm soát sự thèm ăn, giảm cholesterol và tăng cường khả năng miễn dịch.

Khi muốn giảm cân bằng yến mạch nên duy trì khẩu phần ăn dưới 50g yến mạch chưa nấu chín, tránh thêm xi-rô, mật ong và các nguồn đường khác vào cháo.

6. Trứng giàu protein làm tăng cảm giác no

7 thực phẩm đốt cháy chất béo nên ăn khi giảm cân- Ảnh 6.
Trứng ít calo nhưng giàu protein.

Là nguồn cung cấp protein dồi dào, ít calo, trứng là thực phẩm giảm cân hiệu quả. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy thực phẩm giàu protein làm tăng cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn, từ đó giúp giảm cân, tăng cường trao đổi chất.

Trứng là thực phẩm ít calo, giàu protein và các chất dinh dưỡng khác. Ăn trứng hỗ trợ giảm cân, đặc biệt nếu kết hợp trứng vào chế độ ăn kiêng kiểm soát lượng calo. Nghiên cứu cho thấy trứng tăng cường hoạt động trao đổi chất, tăng cảm giác no.

Để thúc đẩy quá trình giảm cân tốt nhất nên ăn trứng luộc vào bữa sáng để ngăn tiêu thụ thêm calo trong ngày. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Béo phì, hai nhóm người thừa cân, béo phì đã bắt đầu chế độ ăn kiêng giảm cân ít calo. Một nhóm ăn trứng và nhóm còn lại ăn bánh mì. Nhóm ăn với trứng giảm cân nhiều hơn 65% so với nhóm ăn bánh mì.

7. Cá hồi giảm cảm giác thèm ăn

7 thực phẩm đốt cháy chất béo nên ăn khi giảm cân- Ảnh 7.
Cá hồi giàu acid béo omega-3.

Cá hồi là sự bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài việc là nguồn cung cấp protein nạc tuyệt vời, giúp duy trì khối lượng cơ bắp khi giảm cân, cá hồi còn chứa nhiều acid béo omega-3 lành mạnh mà cơ thể không thể sản xuất được. Cá hồi làm tăng cảm giác no, ngăn chặn cảm giác thèm ăn, ngăn ngừa ăn quá nhiều. Một miếng phi lê cá hồi nặng 100g có 210 calo, 22g protein, 12g chất béo và không chứa carbs.

Cá hồi là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dễ dàng thêm vào nhiều công thức nấu ăn cho bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Chỉ cần đảm bảo không ăn cá hồi với nước sốt hoặc gia vị có hàm lượng calo cao, kết hợp cùng với một số loại rau, ngũ cốc nguyên hạt hoặc tinh bột như quinoa (diêm mạch) hoặc khoai lang.