Có được đền bù bảo hiểm khi cây bật gốc đè bẹp ô tô?

Văn Công 11/06/2024 21:35

Bạn Đức Anh, 25 tuổi, ở TP. Hải Phòng hỏi: Sau trận mưa lớn, tại Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hải Phòng, một cây xà cừ trong khuôn viên đơn vị đã bật gốc, đè bẹp một chiếc xe ô tô đỗ trong sân. Nếu chủ xe mua bao hiểm có được đền bù không? Công ty quản lý cây xanh có phải chịu trách nhiệm không?

Luật sư Lê Thị Hương (Công ty Luật The Light- Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), trả lời: Bảo hiểm vật chất ô tô là loại bảo hiểm tuy không bắt buộc nhưng rất cần thiết, thường tỷ lệ thuận với giá trị xe. Đây là bảo hiểm được sử dụng trong các trường hợp xe xảy ra tai nạn, hư hỏng hay mất cắp, giúp chủ xe không quá lo lắng về vấn đề tài chính.

Bảo hiểm vật chất chi trả chi phí sửa chữa khi xe bất ngờ xảy ra va chạm dẫn đến xây xước, văng lật hay hỏng hóc trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông. Bảo hiểm bảo vệ này cũng sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong trường hợp xe gặp tai nạn bất đắc dĩ do thiên tai như mưa bão, lũ lụt, động đất, sụt lở, sóng thần… Tình huống xe không may gặp hỏa hoạn, cháy nổ hoặc rủi ro như bị mất trộm đều được bảo hiểm hỗ trợ chi phí khắc phục, giảm các áp lực tài chính cho chủ xe.

Như vậy, khi cây đổ vào xe ô tô mà bị hư hỏng, thiệt hại cho xe ô tô thì sẽ được công ty bảo hiểm ô tô bồi thường nếu khách hàng đã mua gói bảo hiểm vật chất xe. Còn nếu bạn chỉ tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe thì khi phương tiện đó bị hư hỏng, thiệt hại sẽ không được công ty bảo hiểm ô tô bồi thường.

Riêng đối với các trường hợp chủ xe mua thêm loại hình bảo hiểm thân vỏ, vật chất xe tự nguyện mà chẳng may gặp phải sự cố cháy nổ, đâm va thì công ty bảo hiểm sẽ cử giám định tới để giám định thiệt hại, từ đó có phương án bồi thường đúng với số tiền mà khách hàng đã chi trả để sửa chữa.

Đối với trường hợp này, khi gặp cây đổ vào xe thì trước tiên bạn cần phải gọi điện thông báo cho công ty bảo hiểm để công ty bảo hiểm vật chất xe cử nhân viên tới xác nhận thiệt hại, cũng như hướng dẫn bạn các thủ tục để được hưởng quyền lợi và chi trả tiền bồi thường.

img_8709.jpeg
Cây xà cừ bật gốc, đè bẹp xe ô tô con.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gọi cơ quan chức năng tới để ghi nhận và chụp hình lại hiện trường, sau đó đưa xe đến nơi sửa chữa. Khi đó, công ty bảo hiểm vật chất xe sẽ căn cứ vào xác nhận của cơ quan chức năng hoặc hình ảnh, hiện trạng của xe khi gặp cây đổ để tiến hành thanh toán, bồi thường bảo hiểm.

Về việc công ty quản lý cây xanh có phải chịu trách nhiệm hay không, Luật sư Lê Thị Hương cho biết: Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì: "Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này". Khoản 2, Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Để yêu cầu bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại cần phải chứng minh rằng mình đã bị thiệt hại do tài sản của người khác gây ra, việc thiệt hại đó không có lỗi của người bị hại và không thuộc trường hợp bất khả kháng. Nếu người bị hại có lỗi hoặc do bất khả kháng thì trách nhiệm bồi thường được loại trừ đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản.

Việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: "Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra".

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, cây cối đã gây ra thiệt hại đến tài sản của người khác mà không có lỗi của người bị thiệt hại, không thuộc trường hợp bất khả kháng thì căn cứ vào quy định tại Điều 604, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Thiệt hại sẽ được xác định là những giá trị bị mất, bị giảm sút trên thực tế đối với từng vụ việc.

img_8710.jpeg
Luật sư Lê Thị Hương.

Trong trường hợp trên, nếu việc đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe này.

Trường hợp chiếc xe ô tô đỗ ở đó có đơn vị trông giữ (có hợp đồng gửi giữ - có vé xe) thì đơn vị trông giữ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sau khi bồi thường thiệt hại cho chủ xe mà đơn vị trông giữ có căn cứ cho thấy đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại thì có thể yêu cầu đơn vị này bồi hoàn trở lại theo nguyên tắc về tài sản gây thiệt hại quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự.

Văn Công