Chủ tịch TP Thủ Đức: Nghiên cứu xe buýt điện chạy trên đường ray

13/06/2024 18:34

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, mô hình xe buýt điện chạy trên đường ray có sẵn không phải loại hình đường sắt đô thị, nhưng có dẫn tuyến, khi hết đường ray có thể chạy sang đường đô thị.

Chiều 13-6, hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục với phiên thảo luận tại tổ.

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cũng đề nghị cần có hành lang pháp lý cho đề án đường sắt đô thị TP.HCM, bởi nếu cứ làm như hiện nay thì “không biết đến bao giờ mới xong”.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nêu ý kiến về vận hành xe buýt điện trên đường ray có sẵn. Ảnh: HÀ THƯ

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nêu ý kiến về vận hành xe buýt điện trên đường ray có sẵn. Ảnh: HÀ THƯ

Theo ông Tùng, việc xây dựng đường sắt đô thị của TP gặp khó về ngân sách, không thể nào bố trí vốn trong một kỳ trung hạn để thực hiện đề án này, kể cả việc phát hành trái phiếu địa phương sẽ vượt trần nợ công.

“Theo tôi, tiền từ các nguồn khác nhau có thể chuẩn bị được nhưng cần vượt qua một số luật” – ông Tùng nói và đề nghị TP cần đeo bám để Quốc hội có nghị quyết riêng về đường sắt đô thị nhưng TP không nên làm một mình mà có thể liên kết với Hà Nội, Đà Nẵng để cùng xây dựng một nghị quyết về vấn đề này.

Về phương pháp làm, ông Hoàng Tùng nhìn nhận khó nhất là phần làm hầm. Ông gợi ý có thể đấu thầu toàn bộ hầm và phần hầm có thể triển khai độc lập, làm trước.

“TP có thể chia phần hầm làm ba gói, mỗi gói triển khai 2-3 hầm, vì khó nhất là con robot để đào đất, rất tốn tiền…” – ông Tùng gợi ý và đề xuất các cơ quan nghiên cứu thêm.

Đáng chú ý, ông Tùng gợi ý nghiên cứu mô hình xe buýt điện chạy trên đường ray có sẵn, giúp giảm nhiều chi phí so với vận hành metro. Ông nhìn nhận xe buýt điện có thể sản xuất được trong nước. “Chỉ cần nối 2-3 toa (xe buýt - PV) với nhau có thể cáng đáng phân nửa khối lượng đường sắt đô thị hiện nay” – ông Tùng nói và cho biết ở nước ngoài có thực hiện đường opal, xe buýt chạy trên đường ray có sẵn, khi hết đường ray thì chạy luôn qua đường đô thị.

“Đó không phải loại hình đường sắt đô thị, nhưng có dẫn tuyến, như thế tiết kiệm nhiều hơn cho chúng ta khi đầu tư tàu nhập hoàn toàn bằng công nghệ nước ngoài” - ông Tùng nói và gợi ý nếu làm được, đây là mô hình của TP.HCM.

Sở dĩ đề xuất việc này, ông Tùng nói ngoài phần khó nhất là đào hầm thì phải làm chủ công nghệ phía sau đó. Theo ông, hiện nay, toàn bộ tàu được nhập của Nhật Bản, bảo trì, linh kiện thay thế hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.

TP.HCM sẽ làm 183km đường sắt đô thị đến năm 2035. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM sẽ làm 183km đường sắt đô thị đến năm 2035. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trăn trở về đề án đường sắt đô thị, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm chia sẻ: Mười mấy năm chưa xong một tuyến nhưng bây giờ rút kinh nghiệm rồi, làm sao để nhanh thì Chủ tịch UBND TP đã nói rõ nhưng để làm nhanh thì phải có quy định pháp luật.

Ông Lâm đề nghị cần có cơ chế để cán bộ dám làm, vì muốn làm nhanh mà luật không quy định, không có văn bản pháp lý thì chỉ có thể cứ ngồi nhìn mà không làm được.

Ông Lâm cho biết trong 28 cơ chế đề xuất để làm đường sắt đô thị, có 2/3 cơ chế được trình Quốc hội để ban hành nghị quyết vào cuối năm nay. Trong đó, có chính sách đặc thù, tương tự như Nghị quyết 98, hệ thống cao tốc…