5 điều nhất định phải biết khi bị bướu cổ

15/06/2024 11:27

Trong những năm gần đây bệnh bướu cổ có chiều hướng gia tăng. Khi mắc bướu cổ nhiều người thường lo lắng, tuy vậy nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ bướu cổ, người bệnh vẫn có thể phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng.

Phần lớn các bướu cổ thuộc loại lành nên không quá lo lắng tiến triển thành ung thư , nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan. Vì vậy, khi có dấu hiệu cần đi đến các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời.

Bướu cổ hay còn gọi là bướu tuyến giáp là tình trạng mà tuyến giáp phì đại bất thường. Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, có hình cánh bướm, nằm ở cổ, có vai trò tạo ra hormone, kiểm soát sự trao đổi chất, nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt và trọng lượng cơ thể.

Mặc dù không cảm thấy đau nhưng bướu có thể to dần, gây ho, viêm họng và các vấn đề về hô hấp. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bướu cổ và việc điều trị sẽ phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân và tình trạng bệnh đang mắc phải.

5 điều nhất định phải biết khi bị bướu cổ- Ảnh 1.
Khi bướu cổ có rối loạn chức năng nội tiết như suy giáp hoặc cường giáp ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

1. Bướu cổ có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Bướu cổ rất phổ biến ở nước ta, đa phần các bướu tuyến giáp là lành tính không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy vậy, nếu bướu cổ phát triển to sẽ gây nuốt vướng hoặc khó nuốt , khó thở (do chèn vào đường thở hoặc thòng vào lồng ngực) hoặc lồi ra trước cổ gây mất thẩm mỹ.

Loại bướu ác tính sẽ gây xâm lấn các cơ quan xung quanh, nhất là dây thần kinh hồi thanh quản sẽ gây khàn tiếng, hoặc khi bướu di căn sẽ gây tổn thương gan, phổi, xương, não…

Khi bướu cổ có rối loạn chức năng nội tiết như suy giáp hoặc cường giáp ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như gây kiệt sức, sụt hoặc tăng cân, hồi hộp ở ngực, mất ngủ , rụng tóc, run tay, đổ mồ hôi. Tuy nhiên, nhiều bệnh khác cũng gây ra các bất thường này, khi thăm khám bác sĩ sẽ xác định bệnh.

2. Bướu cổ khi nào nên mổ?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nên khi bị bệnh sẽ gây ra những bất thường ở cổ hoặc ở các bộ phận khác trong cơ thể. Khi thấy cổ to ra hoặc có các dấu hiệu kể trên hoặc có bất cứ thay đổi nào trong cơ thể nên đi khám. Bác sĩ sẽ thăm khám, siêu âm, xét nghiệm máu , chọc hút tế bào… để xác định loại bướu cổ.

Khi bướu lành, nhỏ, không gây khó chịu, thường không cần điều trị gì và theo dõi bằng cách tái khám định kỳ mỗi 1-2 năm một lần. Cần đi khám ngay nếu có thay đổi vùng cổ hoặc bất thường trong cơ thể.

Các trường hợp cần phải mổ bướu cổ gồm: Bướu lành gây chèn ép khó thở, khó nuốt, hoặc gây mất thẩm mỹ, ung thư hoặc nghi ngờ ung thư. Rối loạn chức năng tuyến giáp loại cường giáp.

Không cần mổ trong trường hợp bướu lành nhỏ và không bắt buộc mổ khi bướu lành to nhưng không gây khó thở, khó nuốt… Vì vậy khi mắc bướu cổ không quá lo lắng phải mổ.

5 điều nhất định phải biết khi bị bướu cổ- Ảnh 2.
Khi siêu âm thấy rõ các khối u tuyến giáp, phát hiện ung thư tuyến giáp rõ ràng.

3. Biểu hiện bướu cổ ác tính

Hầu hết các khối u tuyến giáp là lành tính, nhưng có khoảng 5% là ác tính (ung thư tuyến giáp). Bác sĩ sẽ thăm khám, siêu âm, xét nghiệm máu, chọc hút tế bào... để xác định loại bướu cổ.

Đặc biệt, khi bướu cổ ác tính mới bắt đầu sẽ chưa gây ra bất cứ bất thường nào mà chỉ phát hiện được qua siêu âm kiểm tra hoặc tình cờ khi chụp CT, MRI, PET vùng cổ vì bệnh khác.

Triệu chứng sẽ xuất hiện khi bướu cổ tiến triển:

  • Xuất hiện khối u ở cổ: Cần theo dõi tình trạng của khối u, chúng ta có thể nhận biết khối u lành tính khi nuốt sẽ di chuyển lên xuống, còn khối u ác tính sẽ không di chuyển khi nuốt.
  • Bị khàn giọng: Giọng nói chuyển khàn bởi các dây thần kinh thanh quản bị kiểm soát các cơ mở, đóng dây thanh quản, nằm ở phía sau tuyến giáp. Khi tình trạng nặng hơn, các khối u tuyến giáp có thể lan rộng và làm tổn thương nặng nề đến hộp âm thanh.
  • Kiểm tra các u giáp trạng có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt gồ ghề hoặc nhẵn, di động theo nhịp nuốt. Có hạch vùng cổ, hạch nhỏ, mềm, di động, xuất hiện cùng bên với khối u.

4. Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn

Khi ở giai đoạn muộn, khối u to, cứng rắn, cố định trước cổ. Khàn tiếng nặng, khó thở. Người bệnh sẽ có biểu hiện khó nuốt, nuốt vướng, đau do u chèn ép.

Da ở vùng cổ bị sậm màu, thâm, thậm chí là sùi loét, chảy máu. Khi siêu âm thấy rõ các khối u tuyến giáp, phát hiện ung thư tuyến giáp rõ ràng. Bệnh nhân có thể thấy khối u to và cứng trước cổ

5. Điều trị bướu cổ

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân của bướu cổ. Nếu bướu cổ do thiếu i-ốt trong chế độ ăn uống sẽ được bổ sung i-ốt dưới dạng uống. Điều này sẽ dẫn đến giảm kích thước của bướu cổ, nhưng thường thì bướu cổ sẽ không biến mất hoàn toàn.

Nếu bướu cổ do viêm tuyến giáp Hashimoto và bị suy giáp, người bệnh sẽ được bổ sung hormone tuyến giáp dưới dạng viên uống hàng ngày. Phương pháp điều trị này sẽ khôi phục mức hormone tuyến giáp trở lại bình thường, nhưng thường không làm cho bướu cổ biến mất hoàn toàn. Mặc dù bướu cổ có thể nhỏ lại nhưng đôi khi có quá nhiều mô sẹo trong tuyến khiến nó nhỏ đi nhiều.

Điều trị bằng hormone tuyến giáp thường sẽ ngăn không cho nó lớn hơn.

Phẫu thuật thường không phải là phương pháp điều trị viêm tuyến giáp thường quy. Nếu bướu cổ do cường giáp, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cường giáp.

Với một số nguyên nhân gây cường giáp, việc điều trị có thể làm biến mất bướu cổ. Ví dụ, điều trị bệnh Graves bằng i-ốt phóng xạ thường làm giảm hoặc biến mất bướu cổ. Nhiều bướu cổ, chẳng hạn như bướu cổ đa nhân, có liên quan đến nồng độ hormone tuyến giáp bình thường trong máu. Những bướu cổ này thường không cần điều trị cụ thể sau khi chẩn đoán thích hợp được thực hiện.

Nếu không có phương pháp điều trị cụ thể nào được đề xuất, người bệnh có thể bị suy giáp hoặc cường giáp trong tương lai. Tuy nhiên, nếu có những vấn đề liên quan đến kích thước của tuyến giáp, chẳng hạn như bướu cổ trở nên lớn đến mức làm hẹp đường thở, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bướu cổ bằng phẫu thuật cắt bỏ. Dù nguyên nhân là gì, điều quan trọng là phải theo dõi thường xuyên (hàng năm) khi được chẩn đoán mắc bệnh bướu cổ.