Lý do giữ nguyên giá xăng, tăng giá dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 22/8?
PLBĐ - Trong kỳ điều hành ngày 22/8, giá xăng được giữ nguyên so với kỳ điều chỉnh trước (ngày 11/8), trong khi các loại dầu có mức tăng từ 730 - 850 đồng/lít.
Từ 15h chiều qua (22/8), liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong kỳ này, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 vẫn giữ nguyên so với kỳ điều chỉnh trước ở mức 23.720 đồng/lít và 24.660 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá một số mặt hàng dầu kỳ này được điều chỉnh đồng loạt tăng. Cụ thể, dầu diesel là 23.750 đồng/lít, tăng 850 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.050 đồng/lít, tăng 730 đồng/lít. Dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ cũng đã quyết định trích mỗi lít xăng từ 451-493 đồng vào quỹ. Dầu diesel trích lập 250 đồng, dầu hỏa 400 đồng và dầu mazut trích 641 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng và 8 lần giảm. Phiên điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/8 là lần thứ 5 liên tiếp các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm giá. Sau phiên điều chỉnh ngày 22/8, giá xăng trong nước đứt mạch đi xuống sau 5 kỳ giảm liên tiếp trong tháng 7.
Lý giải về việc giá xăng giữ nguyên, giá dầu tăng trong phiên điều chỉnh này, một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội cho rằng nguyên nhân là do biến động giá dầu thế giới cùng việc trích lập quỹ bình ổn giá.
Liên Bộ Tài Chính - Công Thương cho hay, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/8-22/8) tiếp tục có những diễn biến tăng giảm đan xen. Có những giai đoạn giá giảm do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn chậm (làm giảm cầu), trong khi nguồn cung từ Iran có thể cải thiện (thỏa thuận hạt nhân được nối lại). Tuy nhiên sau đó giá dầu lại có xu hướng tăng nhanh trở lại sau khi Hoa Kỳ công bố tồn kho dầu giảm, cùng với lượng đơn đề nghị hỗ trợ thất nghiệp tại Hoa Kỳ giảm, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ tăng… Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng (nhất là dầu hỏa và dầu diesel tăng khá cao).
Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 11/8 và ngày 22/8 là: 107,626 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 1,703 USD/thùng, tương đương tăng 1,608% so với kỳ trước); 111,449 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 1,527 USD/thùng, tương đương tăng 1,389% so với kỳ trước; 129,013 USD/thùng dầu hỏa (tăng 6,207 USD/thùng, tương đương tăng 5,054% so với kỳ trước); 130,851 USD/thùng dầu diesel (tăng 5,857 USD/thùng, tương đương tăng 4,686% so với kỳ trước); 501,039 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 2,763 USD/tấn, tương đương tăng 0,554% so với kỳ trước).
Kỳ điều hành này, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều tăng, tuy nhiên, để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ đã quyết định giảm mức trích lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu để giữ ổn định giá mặt hàng xăng và dầu mazut, hạn chế mức tăng đối với các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
Phương án điều hành giá xăng dầu này nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường (đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9), hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; tiếp tục khôi phục quỹ bình ổn giá để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
T.H (th)