HPG “bứt tốc”, tài sản tỷ phú Trần Đình Long tăng mạnh, cận kề người giàu thứ hai Việt Nam
Lội ngược dòng, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành thép “bứt tốc”, trong đó có HPG của tỷ phú Trần Đình Long. Tài sản của đại gia ngành thép nhờ đó cũng tăng lên 2,7 tỷ USD, xếp thứ 3 Việt Nam.
Được biết, trong phiên 17/6, cổ phiếu ngành thép đồng loạt tăng mạnh sau khi Việt Nam có động thái điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép mạ (còn được gọi là tôn mạ) đến từ nước ngoài.
Cũng nhờ thông tin tích cực trên, kết thúc phiên giao dịch, dù thị trường chứng khoán chịu áp lực bán khá mạnh sau khi VN-Index để mất ngưỡng 1.300 điểm trong tuần trước. Tuy nhiên, một số cổ phiếu ngành thép tăng bứt phá.
Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát - nơi tỷ phú Trần Đình Long làm chủ tịch - tăng 1,4%, lên 29.500 đồng/cp.
Cổ phiếu ngành thép tăng bứt phá nhờ loạt thông tin tích cực
Ngoài HPG, cổ phiếu Tôn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ cũng tăng trần thêm gần 7%, lên 25.150 đồng/cp; Thép Đại Thiên (DTL) tăng hết biên độ, thêm 6,9%, lên 14.750 đồng/cp; Thép Nam Kim (NKG) tăng 4,3%, lên 26.800 đồng/cp...
Ngày 14/6, Bộ Công Thương có quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, theo hồ sơ yêu cầu của 5 công ty: CTCP tập đoàn Hoa Sen; CTCP Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; CTCP Tôn Đông Á và CTCP China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc. Trước đó, HPG và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh có yêu cầu điều tra.
Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017, với mức thuế cao nhất là 38,34%. Sau 5 năm triển khai, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này. Đến năm 2023, các doanh nghiệp thép tiếp tục nộp hồ sơ để kiến nghị khởi xướng điều tra.
Chủ tịch HPG Trần Đình Long cho rằng, việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá là theo chuẩn WTO và là điều thông thường.
Ngành thép khởi sắc đi liền với sức cầu đối với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh... là yếu tố giúp tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tăng nhanh. Triển vọng doanh nghiệp của đại gia quê Hải Dương khá tươi sáng.
Theo danh sách Forbes 2024 (công bố hồi đầu tháng 4), ông Trần Đình Long có tốc độ tăng tài sản cao nhất trong số các tỷ phú Việt Nam trong một năm qua. Theo đó, đại gia ngành thép có thêm 800 triệu USD, lên 2,6 tỷ USD và đứng thứ 3 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tính tới ngày 17/6, theo Forbes, ông Trần Đình Long có khối tài sản là 2,7 tỷ USD, xếp thứ 3 tại Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng (4,2 tỷ USD) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet (2,8 tỷ USD).
Trên thị trường chứng khoán, áp lực bán còn mạnh. Các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư không sử dụng margin ở thời điểm hiện tại.
CTCK KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị, nhà đầu tư tránh mua đuổi trong các phiên hồi phục sớm
Chỉ số VN-Index tiếp tục đảo chiều giảm điểm và xuyên thủng ngưỡng MA20 ngày sau khi có phản ứng hồi phục từ sớm cho thấy áp lực cung giá thấp vẫn đang tương đối áp đảo.
Mặc dù nhiều khả năng VN-Index sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.270 điểm, rủi ro chỉ số có thể sớm đảo chiều sau đó đang có phần lấn át hơn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các phiên hồi phục sớm, ưu tiên bán chốt lời các vị thế trading đã mở và hạ tỷ trọng danh mục xuống ngưỡng an toàn khi chỉ số tiếp cận các vùng kháng cự.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng lưu ý, ở kịch bản tốt nhất, VN-Index sẽ giao động quanh ngưỡng kháng cự này và tìm động lực để duy trì xu thế tăng. Còn nếu kịch bản tiêu cực hơn, VN-Index có thể mất vùng hỗ trợ 1.270 và tìm đến những vùng giá sâu hơn ở dưới. Nhà đầu tư tiếp tục có biện pháp bảo vệ tài khoản của mình và nên quan sát, chờ đợi thị trường cho những tín hiệu rõ ràng để tham gia mua mới