Nhận tiền từ lừa đảo qua mạng có thể bị xử lý hình sự
Nhiều người “lừa” lại nhóm lừa đảo qua mạng bằng cách thực hiện công việc mà nhóm này yêu cầu, ấn like link youtube, tiktok… chụp ảnh màn hình gửi lại, sẽ được nhận vài chục nghìn đồng từ nhóm lừa đảo này, sau đó cắt liên lạc.
Lừa đảo qua các nhóm tại Telegram hiện không phải là một hình thức mới. Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo cho người dân bằng nhiều hình thức, nên nhiều người đã nhận ra "bộ mặt" của nhóm lừa đảo ngay từ khi được mời vào tham gia nhóm.Tuy nhiên, thay vì thoát nhóm một số người ở lại với mục đích "lừa" lại nhóm lừa đảo, bằng cách thực hiện một số công việc do nhóm này yêu cầu để nhận vài chục nghìn đồng/lần.Chị Lan (40 tuổi, Hà Nội) đã vài lần "lừa" lại được nhóm lừa đảo qua ứng dụng Telegram. Bằng cách thực hiện một số công việc do nhóm lừa đảo yêu cầu, chị đã vài lần nhận được tiền từ nhóm đối tượng này. Đến khi nhóm lừa đảo chuyển chị Lan sang nhóm mới nhằm chiếm đoạt tiền của chị thì chị liền "mất hút".
"Có lần mình nhận được 1 chiếc máy sấy tóc và 90.000 nghìn đồng từ nhóm lừa đảo qua Telegram. Bọn chúng giả làm người của nhãn hàng điện tử, muốn tri ân khách hàng nên gửi danh sách quà tặng cho mình rồi yêu cầu chọn sản phẩm. Vừa nhìn là mình đã biết ngay đây là lừa đảo nhưng mình vẫn thực hiện theo yêu cầu của bọn chúng. Mình đã nhận được chiếc máy sấy tóc chỉ sau vài chục phút, bọn chúng gửi qua ứng dụng giao hàng.Tiếp đó, mình được mời vào một nhóm để tăng tương tác cho các gian hàng điện tử, chỉ cần ấn vào link youtube bọn chúng gửi rồi chụp lại màn hình là mình sẽ nhận được 30.000 đồng/lượt, sau 3 lần thì chúng chuyển mình sang nhóm mới nhằm lấy tiền của mình nhưng mình đã không thực hiện theo nữa", chị Lan kể lại.Chị Lan cho biết, 2 lần khác cũng có hành động động tương tự với 2 nhóm lừa đảo. Chỉ khác là nhóm lừa đảo không tặng quà mà yêu cầu chị làm theo hướng dẫn để được nhận tiền luôn. 2 lần đó chị tiếp tục nhận được tổng 78.000 đồng và 150.000 đồng.Không chỉ chị Lan mà nhiều người cũng có hành động tương tự khi bị nhóm lừa đảo mời vào các nhóm Telegram. Dù biết rõ đó là nhóm lừa đảo những nhiều người vẫn thực hiện yêu cầu như vào link youtube, tiktok… do nhóm lừa đảo gửi rồi ấn like, chụp hình ảnh gửi đi, sau đó nhận vài chục nghìn đồng từ nhóm đối tượng này. Khi nhóm lừa đảo bắt đầu bước lừa tiếp theo nhằm chiếm đoạt tài sản thì những người này liền dừng liên lạc với nhóm.
Tiêu thụ tài sản biết rõ là của nhóm lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan đến vấn đề, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện pháp luật có quy định về hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác, khi biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có là hành vi vi phạm pháp luật. Nội dung này được quy định theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.Theo đó, đối với hành vi này nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, theo quy định điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 của Chính Phủ.
Còn trong trường hợp có căn cứ xác định người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo quy định Điều 323 Bộ luật hình sự.Mức hình phạt của tội danh này là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc cao nhất từ 10 năm đến 15 năm tù. Mức phạt này được quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021 của Chính Phủ, trong trường hợp tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.Tuy nhiên, để xác định hành vi thỏa mãn tội danh này hay không thì cần chứng minh người thực hiện hành vi phải biết rõ nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có."Biết rõ "tài sản là do người khác phạm tội mà có" được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011. Theo đó: "Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có" là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.Nếu trong trường hợp người chứa chấp, sử dụng, tiêu thụ tài sản không biết nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có thì không đủ căn cứ để xử lý người này", Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang thông tin.