Bộ Công an điều chỉnh quy định về tín hiệu đèn vàng phải dừng lại

23/06/2024 08:01

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội vào đầu kỳ họp, Bộ Công an đã chỉnh lý dự luật liên quan đến tín hiệu đèn vàng.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đưa ra lấy ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội đầu kỳ họp thứ 7 quy định tín hiệu đèn vàng phải dừng lại. Tuy nhiên, đề xuất trên không tạo được sự đồng thuận của đa số ĐB.

Dễ phạt oan người điều khiển phương tiện

ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), cho rằng khi người tham gia giao thông đến đường giao nhau có bố trí đèn tín hiệu sẽ xảy ra ba tình huống.

Thứ nhất, đối với đèn có hiển thị thời gian. Người điều khiển phương tiện biết được còn đủ thời gian đèn xanh để đi qua hay không, tức là họ có thể chủ động giảm tốc độ để dừng lại trước vạch dừng khi đèn vàng bật sáng, điều này thỏa mãn quy định của luật.

Thứ hai, đèn không có hiển thị thời gian. Tình huống xe đã giảm tốc độ, đi gần đến vạch dừng thì người điều khiển phương tiện cũng đủ thời gian dừng lại trước vạch dừng khi đèn vàng bật sáng và cũng thỏa mãn các yêu cầu của luật.

Dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến đầu kỳ họp thứ 7 đề xuất tín hiệu đèn vàng phải dừng. Ảnh: C.ANH

Dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến đầu kỳ họp thứ 7 đề xuất tín hiệu đèn vàng phải dừng. Ảnh: C.ANH

Tình huống tiếp theo là xe đã giảm tốc độ, vừa chớm qua vạch dừng thì đèn vàng bật sáng. Lúc này, người điều khiển phương tiện rất khó xử lý, nếu họ đi tiếp phạm luật, đứng im tại chỗ cũng không ổn vì luật quy định đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng. Khi đó, người điều khiển phương tiện cũng không thể lùi để trở lại trước vạch dừng vì luật quy định không được lùi xe ở nơi đường giao nhau, hoặc có xe đứng ngay phía sau nên không thể lùi.

Xét về lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông, ĐB thấy tình huống này người điều khiển phương tiện không có lỗi, vì họ mặc dù đã giảm tốc độ ở đèn xanh nhưng không thể biết lúc nào đèn vàng sẽ bật để dừng lại trước vạch dừng. Khi họ không có khả năng biết trước hiệu lệnh thì hành vi đó không có lỗi.

“Nếu điều đó xảy ra sẽ vi phạm nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là người có hành vi vi phạm phải có lỗi. Tức là quy định của dự luật không thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mặt khác, pháp luật đặt ra giả định phải có quy định để người dân có thể thực hiện được mà không vi phạm. Nếu quy định như dự luật chưa giải quyết được tình huống như nêu trên và sẽ đặt người điều khiển phương tiện vào trạng thái vi phạm pháp luật”- ĐB Nguyễn Hải Dũng góp ý.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), cho rằng nếu quy định đèn vàng phải dừng thì không khác gì đèn đỏ. Song song đó, quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như là Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ.

Vì vậy, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị nên quy định như hiện nay. Cụ thể, “tín hiệu đèn vàng phải đi chậm và dừng trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”.

Chỉnh lý là phù hợp

Tiếp thu ý kiến các ĐB Quốc hội, Bộ Công an đã chỉnh lý dự luật theo hướng: “Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp”.

Việc chỉnh lý nêu trên của cơ quan soạn thảo cũng nhận được sự đồng tình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi đưa dự luật ra lấy ý kiến và thông qua vào cuối kỳ họp thứ 7.

Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), thực tế quy định "đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng" chưa thực sự thống nhất với Công ước Viên 1968 mà Việt Nam là thành viên và quy chuẩn Việt Nam số 41/2019.

Vì vậy, việc điều chỉnh như trên vừa thống nhất với thông lệ quốc tế, vừa khoa học, không gây khó khăn cho người tham gia giao thông và đúng với Quy chuẩn Việt Nam số 41/2019.

Không chỉnh lý với quy định đèn xanh

Về tín hiệu đèn xanh, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng dự luật quy định tín hiệu đèn xanh được đi, nhưng quy định này không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông tại các ngã tư đông xe. Vì theo luật, khi đèn xanh mà các phương tiện đi vào dù trong giao lộ có nhiều phương tiện không di chuyển được ra khỏi giao lộ thì vẫn làm ùn tắc.

Vì vậy, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị quy định lại tín hiệu đèn màu xanh được đi, trừ trường hợp phía trước có ùn tắc thì phương tiện không được vào giao lộ, nếu vào giao lộ mà không thể thoát ra, làm cản trở phương tiện được phép đi từ hướng khác sẽ bị xử lý vi phạm pháp luật về giao thông.

Về vấn đề trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định đèn xanh đã rõ trong dự luật, việc thực hiện phụ thuộc vào nhận thức của người tham gia giao thông.

Thêm vào đó, khi có ùn tắc, tai nạn giao thông thì ngoài việc chấp hành tín hiệu đèn giao thông, còn tuân thủ theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên nội dung về tín hiệu đèn xanh trong dự luật…

Quy định đèn tín hiệu giao thông trong dự luật sau khi chỉnh lý

Tín hiệu đèn giao thông có ba màu gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:

1. Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

2. Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định.

3. Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.