Vụ bé gái bị lột quần áo, treo lên trần nhà: Trút giận lên người đứa trẻ mới 11 tuổi để giải tỏa bực tức là hành vi tàn nhẫn?

06/08/2022 13:23

Hình ảnh bé gái 11 tuổi bị treo hai tay lên trần nhà rồi bị một người đàn ông cầm roi đánh liên tiếp khiến nhiều người xót xa, thương cảm.

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip dài khoảng 4 phút ghi lại ghi lại cảnh một bé gái bị lột hết quần áo, hai tay bị buộc dây treo lên trần nhà, bên cạnh một người đàn ông liên tiếp dùng roi đánh vào người cháu bé. Vụ việc được cho xảy ra tại xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Qua điều tra, công an xác định, cháu bé trong đoạn clip là N.T.B.N (11 tuổi, ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân).

Theo cơ quan chức năng, tối 27/7, cháu N đến nhà người thân ở cùng xã chơi rồi ngủ qua đêm, song không xin phép bố là Nguyễn Văn T (34 tuổi).

Đến trưa 28/7, lúc về nhà, cháu N bị bố bắt cởi hết quần áo rồi dùng áo quấn quanh tay, buộc dây thừng treo lên xà nhà.

Người bố đã dùng roi đánh vào mông con gái. Trong lúc "dạy con", ông T còn đưa điện thoại cho con trai 12 tuổi quay lại video và dặn không cho ai xem.

Sau đó, cháu N và anh trai đã mang theo điện thoại của bố đến nhà bà ngoại ở xã Xuân Liên chơi. Tại đây, cậu ruột của hai cháu phát hiện đoạn clip trong điện thoại nên đã quay lại.

Công an huyện Nghi Xuân đã triệu tập bố của hai bé lên làm việc nhưng người này không có mặt tại địa phương.

Cháu N hiện tâm lý ổn định, đang được người thân và chính quyền chăm sóc, động viên. Được biết, mẹ của N đang đi lao động ở nước ngoài, cháu hiện sống với bố, anh trai và em gái.

Vụ bé gái bị lột quần áo, treo lên trần nhà: Trút giận lên người đứa trẻ mới 11 tuổi để giải tỏa bực tức trong người là hành vi tàn nhẫn? - Ảnh 2.

Hình ảnh cháu N bị treo hai tay lên trần nhà (ảnh cắt từ clip)

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi của người bố đã xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được pháp luật bảo hộ nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hành vi của người bố đã xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cháu bé, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con, có dấu hiệu phạm tội "Hành hạ con''. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a (khoản 2, Điều 185, BLHS 2015). Để có căn cứ xử lý hình sự, Cơ quan điều tra cần xem xét trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé, đối tượng đã có hành vi đối xử tồi tệ với cháu bé bao nhiêu lần, có gây đau đớn về thể xác, tinh thần, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm sinh lý của cháu bé không.

Trong vụ việc này, ngoài việc đối xử tồi tệ với con gái thì đối tượng còn sử dụng vũ lực đánh cháu, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe cháu bé. Do đó, Cơ quan điều tra cần thiết xem xét trưng cầu giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe cháu bé để xử lý đối tượng theo quy định. Nếu kết quả giám định tỷ lệ thương tích của cháu bé có tỷ lệ dưới 11% thì đối tượng vẫn có thể phải chịu trách nhiệm về tội ''Cố ý gây thương tích'' theo quy định tại Điều 134 (BLHS 2015).

Vụ bé gái bị lột quần áo, treo lên trần nhà: Trút giận lên người đứa trẻ mới 11 tuổi để giải tỏa bực tức trong người là hành vi tàn nhẫn? - Ảnh 3.

Cháu N và T hiện đang được cơ quan công an và chính quyền địa phương chăm sóc

Cùng chung quan điểm, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, theo quy định của Luật trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành. Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu đã không bảo vệ, chăm sóc mà còn đánh đập, hành hạ thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn...

Viêc người lớn trút giận lên người đứa trẻ mới 11 tuổi để giải phóng nỗi bực tức trong người là hành vi rất côn đồ, tàn nhẫn và vi phạm pháp luật. Đây là vụ việc gây bức xúc trong dư luận, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em. Bởi vậy cơ quan chức năng cần sớm làm rõ và xử lý nghiêm minh đối tượng này trước pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Thực tiễn cho thấy, các hành vi bạo hành, hành hạ trẻ em thường diễn ra trong những gia đình không có hạnh phúc. Với trẻ em sống trong gia đình mà bố mẹ ly hôn thì nguy cơ bị bạo hành càng nhiều hơn, đặc biệt là khi người cha, người mẹ là người nghiện rượu hoặc nghiện ma tuý. Bởi vậy, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em cần phải có thống kê, phân loại, sàng lọc, nắm bắt thông tin kịp thời để kịp thời phát hiện, can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em để tránh việc bạo hành xảy ra kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ em, gây lo lắng hoang mang trong xã hội.

"Dù chế tài của pháp luật như thế nào chăng nữa thì trước tiên hành vi của người bố sẽ bị cả cộng đồng lên án mạnh mẽ và sắp tới sẽ phải đối mặt với chế tài nghiêm khắc của pháp luật", luật sư Anh chia sẻ.

Điều 185: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

….

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

Bình Minh