Người phụ nữ 62 tuổi ở Phú Thọ đang khỏe mạnh, bất ngờ bị nhồi máu não sau dấu hiệu phổ biến này

26/06/2024 11:13

Cô T bất ngờ bị nhồi máu não ở chợ sau biểu hiệu đau đầu, chóng mặt và không thể nói được. Cô may mắn được người dân đưa đến viện cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân là cô V.T.K.T – 62 tuổi, ở Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, vào viện trong tình trạng liệt nửa người phải, không nói được.

Theo chia sẻ của gia đình, cô T không có tiền sử bệnh lý gì. Sáng cùng ngày vào viện, cô T đi chợ thấy đau đầu, chóng mặt, không nói được. Cô T được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy cấp cứu.

Người phụ nữ 62 tuổi ở Phú Thọ đang khỏe mạnh, bất ngờ bị nhồi máu não sau dấu hiệu phổ biến này- Ảnh 2.
Sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết người bệnh đã có thể nói được. Ảnh: TTCC

Ngay sau khi tiếp nhận, các y bác sĩ khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc đã nhanh chóng thăm khám chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra.

Kết quả thăm khám cho thấy cô T có tình trạng: Nhồi máu não. Nhận định được trường hợp của cô T các bác ngay lập tức sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị cho cô T.

Chỉ sau 30 phút cấp cứu, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết người bệnh đã có thể nói được, vận động động bình thường. Hiện tại cô T đang được theo dõi và điều trị tại khoa Cấp cứu, HSTC và chống độc. Dự kiến cô T sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.

Bệnh nhồi máu não nguy hiểm thế nào?

Nhồi máu não là loại đột quỵ xảy ra do thiếu cung cấp máu lên não. Nó khác biệt với đột quỵ do xuất huyết xuất phát từ tình trạng chảy máu tại não. Khoảng 70 - 80% các cơn đột quỵ là nhồi máu não trong khi một số khác thì có các đặc điểm của cả nhồi máu não và xuất huyết não, số còn lại là xuất huyết não.

Máu chảy qua động mạch mang theo các hồng cầu vận chuyển khí oxy. Máu chảy qua động mạch cũng mang theo nước, chất dinh dưỡng, khoáng chất đến tất cả các tế bào trong cơ thể và loại bỏ các chất thải dư thừa. Vì vậy, việc cung cấp máu bị gián đoạn sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho tế bào não vì chúng cần khí oxy, nước, chất dinh dưỡng và khoáng chất để tồn tại.

Bệnh nhân nhồi máu não có tỷ lệ tử vong khoảng 15-20% và có thể chữa khỏi nếu đến viện sớm trong những giờ đầu kể từ khi có dấu hiệu đột quỵ. Bệnh nhân nhồi máu não đến viện sớm trong thời gian "vàng" sẽ có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp nội mạch.

4 dấu hiệu cảnh báo bệnh nhồi máu não

Người phụ nữ 62 tuổi ở Phú Thọ đang khỏe mạnh, bất ngờ bị nhồi máu não sau dấu hiệu phổ biến này- Ảnh 3.
Ảnh minh họa

Hãy kiểm tra nếu nghi ngờ ai đó bị nhồi máu não bằng kiểm tra FAST (nhanh):

Face (mặt): Nếu yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng, một bên mặt không thể cử động được.

Arm (tay): Khi yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên, cánh tay một bên sẽ có biểu hiện yếu hơn bên còn lại.

Speech (lời nói): Người bệnh khó nói, dùng từ không thích hợp hoặc câm lặng.

Time (thời gian): Nếu kiểm tra thấy nghi ngờ bệnh nhân có các biểu hiện của nhồi máu não thì nên gọi cấp cứu 115 ngay và ghi nhớ thời gian triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Nên nhớ thời gian là yếu tố quan trọng quyết định đến sự an toàn của người bệnh.

Cách sơ cứu người bị nhồi máu não

Trong nhồi máu não, cấp cứu và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Nếu qua thời gian vàng, khả năng gặp biến chứng của người bệnh có thể cao hơn.

Vì vậy, khi có dấu hiệu nhồi máu não, người thân của bệnh nhân cần:

- Gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu nhồi máu não.

Trong khi chờ xe cấp cứu, tùy vào tình trạng người bệnh mà có những xử trí khác nhau:

+ Nếu người bệnh tỉnh, đặt người bệnh nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ. 

+ Tuyệt đối, không cho người bệnh ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì. 

+ Thực hiện thông đường thở cho người bệnh bằng cách lấy bỏ các dị vật trong họng nếu có hoặc lau đờm dãi trong miệng.

+ Nếu liệt, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng người bệnh về bên lành.

+ Nếu bệnh nhân không thấy mạch hoặc ngưng thở, phải tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ngay (80-100 lần một phút) cho đến khi tim đập lại.