Điều trị cho trẻ mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần lưu ý gì?
Ở Việt Nam hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường type 1 ở trẻ em. Dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy bệnh có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây và việc chẩn đoán điều trị còn gặp nhiều khó khăn.
Ước tính có khoảng 2.000 trẻ em Việt Nam mắc đái tháo đường type 1, chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ và đang có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân của đái tháo đường type 1
Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường type 1 rất phức tạp và vẫn chưa được hiểu rõ. Đái tháo đường xảy ra do sự kết hợp giữa gen trong cơ thể với một số yếu tố môi trường. Nếu một người được quy định bởi gen có khuynh hướng xuất hiện bệnh đái tháo đường mà tiếp xúc với yếu tố kích hoạt trong môi trường thì bệnh đái tháo đường có thể sẽ xuất hiện. Nếu bệnh đái tháo đường được kích hoạt, hệ thống miễn dịch trong cơ thể sẽ tấn công các tế bào beta tụy và bắt đầu phá huỷ chúng, khiến việc sản xuất insulin sụt giảm. Thời gian để tế bào beta tụy bị phá huỷ thường là từ vài tuần đến vài năm, đến khi có trên 90% số lượng tế bào beta bị phá huỷ thì bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng.
Đái tháo đường type 1 chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.
Đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần quan tâm để ý tới những biểu hiện bất thường của trẻ, đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu của bệnh đái tháo đường ở trẻ em như: Trẻ liên tục khát nước và uống nước; cảm thấy đói bụng liên tục; sụt cân đột ngột; đi tiểu thường xuyên; buồn nôn, nôn; mệt mỏi, thờ ơ…
Khi trẻ có những biểu hiện trên thì gia đình nên đưa ngay đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được bác sĩ thăm khám sớm và điều trị can thiệp sớm nếu cần, tránh để lại hậu quả nặng nề.
Điều trị đái tháo đường type 1
Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 thường gầy, cần có chế độ ăn nhiều calo để cung cấp năng lượng. Ăn đủ các nhóm chất glucid (chất bột đường: cơm, phở, hủ tiếu, bún, mì, bánh mì, ngô, khoai…), lipid (chất béo: dầu thực vật) và protid (chất đạm: thịt, cá, đậu phụ…), chất xơ (rau các loại nên dùng trước các bữa ăn).
Cần tránh đường đơn từ bánh kẹo, mật, chocolate, sữa chua… vì hấp thụ nhanh sẽ làm tăng tiết insulin sớm. Đường trong trái cây cũng hấp thụ nhanh, chỉ nên dùng cuối bữa ăn.
Ngoài ra, ăn uống lành mạnh và tập thể dục sẽ giúp cải thiện tác dụng Insulin, giảm glucose trong máu, cải thiện các rối loạn chuyển hóa, tim mạch và tâm lý.
Đối với bệnh đái tháo đường type 1, người bệnh cần phải sử dụng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Có thể sử dụng ở dạng tiêm hoặc là bơm tiêm tự động insulin. Insulin dạng hít cũng đang được nghiên cứu. Người bệnh không thể dùng insulin dưới dạng thuốc viên, vì acid trong dạ dày sẽ phá hủy thuốc trước khi đi vào máu. Bác sĩ sẽ xem xét và đưa ra loại và liều lượng insulin hiệu quả nhất cho người bệnh. Bác sĩ cũng sẽ giải thích về các loại insulin khác nhau và đặc điểm để bệnh nhân nắm rõ.
Người bệnh cũng cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Bác sĩ sẽ cho biết về tần suất kiểm tra và mức đường huyết mục tiêu. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt, điều này sẽ giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.