Bị đột quỵ, liệt nửa người khi dùng điều hòa
Thanh niên họ Song ở Tây An, Trung Quốc dùng điều hòa lâu ngày, bỗng bị yếu chi, không nói được, liệt nửa người bên phải.
Đột quỵ, liệt nửa người bất ngờ sau khi bị gió lạnh thổi lâu ngày
Do thời tiết nắng nóng dài ngày, anh này đã liên tục bật điều hòa. Tuy nhiên, vào một ngày, anh đột nhiên cảm thấy yếu chi phải. Nhưng anh lờ đi vì vẫn còn có thể di chuyển. Kết quả là ngày hôm sau, anh không thể nhấc tay và chân, bị liệt nửa người bên phải, không nói được và không hiểu người khác nói gì nên ngay lập tức được người nhà đưa đi cấp cứu.
Sau khi khám, bác sĩ phát hiện anh bị nhồi máu não cấp tính vùng đỉnh, chẩm, thùy thái dương và vùng cạnh não trái hay còn gọi đột quỵ. Sau khi điều trị, tình trạng của bệnh nhân được cải thiện và anh dần lấy lại khả năng di chuyển độc lập, giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Chênh lệch nhiệt độ lớn gây đột quỵ
Hu Xiaohui, Giám đốc Khoa Thần kinh tại Bệnh viện Xian Honghui, cho biết khi thời tiết nắng nóng, nhiều người điều chỉnh nhiệt độ điều hòa rất thấp, khiến nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch quá lớn. Khi ra vào môi trường có nhiệt độ chênh lệch lớn, các mạch máu có thể co lại và giãn nở đột ngột, làm giảm hàm lượng nước trong máu, tăng độ nhớt của máu, dễ gây tắc mạch và dẫn đến đột quỵ.
8 lưu ý khi bật điều hòa
1. Nhiệt độ điều hòa không được quá thấp và nên để trên 26 độ C. Ở trong môi trường nhiệt độ thấp thời gian dài sẽ khiến mạch máu co lại và làm chậm quá trình lưu thông máu.
2. Điều chỉnh cửa gió điều hòa hướng lên trên để tránh thổi thẳng vào các khớp trên cơ thể. Đặc biệt là những người đang có thể trạng yếu, trẻ sơ sinh và người già.
3. Khi bật điều hòa, bạn có thể mặc áo sơ mi, quần dài để tránh không khí lạnh xâm nhập vào cơ thể.
4. Nếu ra mồ hôi nhiều khi ở ngoài trời, bạn nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt rồi mới vào môi trường không khí lạnh, nhằm tránh sự co bóp nhanh chóng của các mạch máu do chênh lệch nhiệt độ.
5. Khi không bật điều hòa trong thời gian dài, hãy chú ý vệ sinh. Vì điều hòa không sử dụng lâu ngày dễ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
6. Đợi 10 phút sau khi vào phòng mới bật điều hòa. Hầu hết mọi người đều thích bật điều hòa ngay khi về đến nhà, điều này có hại cho sức khỏe. Vì lúc này lỗ chân lông đã mở hoàn toàn nên nhiệt độ cơ thể dễ giảm mạnh, gây cảm lạnh và các bệnh khác.
7. Bổ sung nước kịp thời. Nếu bật điều hòa quá lâu, căn phòng sẽ trở nên khô hanh và cơ thể cũng dễ bị mất nước. Vì vậy, khi bật điều hòa hãy uống nhiều nước để bổ sung nhu cầu của cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, ngăn máu nhớt, giảm nguy cơ đột quỵ. Đồng thời, đặt một chậu nước vào cửa thoát khí của điều hòa có thể làm giảm triệu chứng khô mắt.
8. Bệnh nhân cao huyết áp, mỡ máu cao và các bệnh khác không nên sử dụng điều hòa trong thời gian dài, chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời không được vượt quá 10 độ. Bạn nên kiên trì dùng thuốc để kiểm soát tình trạng bệnh, theo dõi chặt chẽ tình trạng tăng huyết áp và điều chỉnh thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn có thể ăn thêm giấm, táo gai và các thực phẩm có tác dụng hạ lipid máu, làm mềm mạch máu, tăng cường chất xơ, các sản phẩm từ đậu nành, cá... Bỏ hút thuốc, hạn chế rượu và ăn ít muối, tập thể dục vừa phải và duy trì sự cân bằng tinh thần.
Theo VnExpress, tỷ lệ đột quỵ Việt Nam đang dẫn đầu thế giới.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất - tức nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.
Nguyên nhân cho con số này là nhận thức của nhiều người Việt về nguy cơ đột quỵ vẫn chưa cao. Đa số bệnh nhân đột quỵ cho biết không nghĩ nguyên nhân do không kiểm soát các bệnh nền, theo các bác sĩ. Họ không tuân thủ dùng thuốc, không đo huyết áp tại nhà hàng ngày, không biết huyết áp cần đạt được là bao nhiêu, vẫn hút thuốc lá, dùng thực phẩm không tốt cho người mắc bệnh này.
>> Xem thêm Quiz: Mức độ hiểu biết của bạn về đột quỵ tới đâu?
Hằng Trần (Theo ICable)