KINH TẾ VIỆT NAM: TẬN DỤNG LỢI THẾ THAM GIA SÂU HƠN VÀO CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU

28/06/2024 07:06

Theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, để doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội của xu thế thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện 6 nhóm giải pháp.

KINH TẾ VIỆT NAM: TẬN DỤNG LỢI THẾ THAM GIA SÂU HƠN VÀO CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU- Ảnh 1.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

Trong gần một thập kỷ trở lại đây, thế giới đã trải qua nhiều biến cố, bất định khó lường; căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã thay đổi luật chơi trong quan hệ kinh tế toàn cầu, trật tự và hoạt động kinh tế thế giới lỏng lẻo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, diễn ra trên nhiều lĩnh vực; các giá trị của chủ nghĩa tự do kinh tế bị thách thức nghiêm trọng, nền quản trị toàn cầu dựa trên các quy tắc của hệ thống quốc tế bị suy yếu; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại.

Lợi ích và an ninh quốc gia đang định hình toàn diện mọi chính sách kinh tế trên quy mô toàn cầu. Chính phủ Mỹ kêu gọi: "Chuyển sản xuất sang các nước thân hữu" Cộng đồng chung châu Âu đưa ra chủ trương: "Giảm thiểu rủi ro" từ sự phụ thuộc vào Trung Quốc; Trung Quốc hành động theo phương châm: "Tự cung tự cấp" giảm phụ thuộc vào cấm vận công nghệ và thương mại của Mỹ.

Trước hệ luỵ của những biến cố, bất định khó lường, Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022 nêu ra các vấn đề nóng của toàn cầu, phản ánh kinh tế thế giới có những thay đổi sâu sắc đó là thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và địa kinh tế; thế giới phân mảng.

Xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế và thương mại quốc tế đối mặt với những bất ổn, khó lường đã tạo nên 5 xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu trong thập kỷ tới.

Thứ nhất: Chuỗi cung ứng linh hoạt, dễ thích nghi, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử minh bạch là các yếu tố không thể tách rời với xu hướng phát triển bền vững.

Các nhà quản lý kinh tế và cộng đồng doanh nhân nhận thấy chuỗi cung ứng mạnh, bền vững là chuỗi có nhiều nhà cung ứng, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và doanh nghiệp cung ứng cólợi thế địa kinh tế và hoạt động trên cùng khu vực địa kinh tế.

Khi diễn ra biến động, hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và doanh nghiệp sản xuất sẽ nhanh chóng chuyển đổi; doanh nghiệp cung ứng phải có hệ thống vận chuyển năng động, linh hoạt nhằm đáp ứng ngay nhu cầu thay đổi của khách hàng.

Thứ hai: Mạng lưới sản xuất toàn cầu vẫn quyết định tương lai của chuỗi cung ứng, nhưng mạng lưới sản xuất khu vực sẽ gia tăng.

Các bất định và rủi ro chính sách đang thúc đẩy quá trình phân mảng, khu vực hoá kinh tế diễn ra nhanh và mạnh hơn. Khi khu vực hoá sản xuất tác động đến chuỗi cung ứng sẽ kéo theo các thay đổi về chính sách của chính phủ ủng hộ việc gia công, chế biến các loại hàng hoá chiến lược tại khu vực thay vì thuê ở các khu vực khác xa hơn.

Thứ ba: Trung Quốc vẫn là công xưởng sản xuất của kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Trung Quốc hiện có năng lực cạnh tranh vượt trội về thị trường, hiệu quả theo quy mô, kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics, mạng lưới công nghiệp hỗ trợ và nguồn cung lao động có kỹ năng so với các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài bố trí lại mạng lưới sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến thị trường mới nổi là chiến lược lâu dài, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Thứ tư: Gia tăng toàn cầu hóa dịch vụ.

Với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các dịch vụ như công nghệ thông tin, dịch vụ kinh doanh và tài chính, nghiên cứu và phát triển,... đang trở thành dịch vụ toàn cầu, tạo động lực tăng trưởng mới, gia tăng cạnh tranh toàn cầu đối với các loại dịch vụ này.

Khi các loại dịch vụ toàn cầu phát triển sẽ kéo theo sự phát triển đội ngũ lao động có kỹ năng cao ở thị trường mới nổi, cạnh tranh với lao động cùng kỹ năng tại thị trường phát triển, làm cho giá dịch vụ toàn cầu sẽ giảm. Khi đó các công ty mong muốn chuyển hoạt động sản xuất và gia công dịch vụ tới thị trường mới nổi,nơi có nhiều lao động trẻ có kỹ năng cạnh tranh với đội ngũ lao động có cùng trình độ tại các nền kinh tế phát triển với dân số già. Vì vậy, trong thập kỷ tới, cạnh tranh lao động có kỹ năng cao giữa thị trường mới nổi với thị trường phát triển sẽ mở ra cơ hội mới trong sử dụng nguồn lao động tài năng toàn cầu.

Thứ năm: Phát triển chuỗi cung ứng khu vực sẽ gia tăng lạm phát trong thập niên tới.

Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng sẽ gia tăng áp lực lạm phát trong thập niên tới. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần chuẩn bị chiến lược kinh doanh trong bối cảnh lạm phát gia tăng, dẫn tới chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng, khi người dân chỉ tập trung vào những thứ thật cần thiết cho cuộc sống.

 Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng

KINH TẾ VIỆT NAM: TẬN DỤNG LỢI THẾ THAM GIA SÂU HƠN VÀO CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU- Ảnh 2.

Để tối ưu hoá sản xuất, giảm chi phí, tối ưu hoá lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro từ xung đột chính trị và chiến tranh thương mại, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ quốc gia này sang quốc gia khác là xu hướng khách quan đã và đang diễn ra. Chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển theo 3 hướng, đó là:

Thứ nhất, dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước trong cùng khu vực địa lý để giảm phụ thuộc hoặc tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại hoặc các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa các nền kinh tế.

Thứ hai, dịch chuyển chuỗi cung ứng đòi hỏi thực hiện đầu tư, thường gắn với hoạt động sản xuất có công nghệ cao, sản phẩm hàng hóa chiến lược có giá trị gia tăng cao, liên quan tới bí mật công nghệ và an ninh quốc gia. Hướng dịch chuyển này đưa đến việc doanh nghiệp di chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất về chính quốc, diễn ra đối với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu.

Thứ ba, tái cơ cấu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng qua việc đa dạng hoá nguồn cung, mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp nhằm phân tán rủi ro.

Như một thực tế khách quan, bất kỳ một nền kinh tế đứng trước mỗi biến cố, mỗi thay đổi của kinh tế, chính trị thế giới đều có những cơ hội và đối mặt với thách thức. Chủ động, linh hoạt xác định, nắm bắt cơ hội, đồng thời khẩn trương thực thi giải pháp vượt qua thách thức, khi đó kinh tế đất nước sẽ mạnh hơn, phát triển nhanh và bền vững hơn. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị quốc tế và trong nước, trước xu hướng tái định hình và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh tế nước ta có những lợi thế và thách thức sau.

Lợi thế của kinh tế Việt Nam trước xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế để có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Một là, Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam có môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động; Tình hình chính trị ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài; Môi trường pháp lý đầy đủ; Chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư; Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện; Lực lượng lao động trẻ, dồi dào, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp; Cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ là các nhóm lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Hai là, Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới.

Việt Nam đã tạo dựng được môi trường tự do hoá tiếp cận thị trường ở mức cao. Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của các nền kinh tế lớn; là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn, với hơn 60 đối tác phủ khắp các châu lục đã đưa mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường của Việt Nam ngang hàng với Singapore.

Trên góc độ thương mại và đầu tư quốc tế, Việt Nam không có đối thủ về quan hệ đối tác và mức độ cởi mở trong tiếp cận thị trường. Kinh tế nước ta ngày càng khẳng định và củng cố vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Ba là, Việt Nam là nền kinh tế kết nối trong một thế giới phân mảng.

Hệ luỵ của thế giới bất định, khó lường đã dẫn tới một thế giới phân mảng. Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo, việc các nền kinh tế có xu hướng phân mảng thành từng khối riêng biệt có thể gây ra các gián đoạn tài chính, chuỗi cung ứng, từ đó có thể khiến GDP toàn cầu giảm 4,5% khi các nước triển khai chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro.

Kinh tế thế giới phân mảng khiến tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa các khối không tương đồng về chính trị chậm lại nhiều hơn. Theo số liệu năm 2022, tăng trưởng thương mại nội khối cao hơn 3,8% so với giữa các khối.

Về sử dụng nguồn vốn, các công ty đa quốc gia tập trung trao đổi nhiều hơn đến vấn đề chuyển dịch dòng vốn về nước mình; chuyển dịch về gần nước mình; chuyển dịch về các nước thân hữu.

Trong thế giới phân mảng, các quốc gia không liên kết đóng vai "Quốc gia kết nối" giữa các khối, hưởng lợi trực tiếp từ sự chuyển hướng thương mại và đầu tư trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rạn nứt, cùng với đó vai trò quốc gia kết nối làm giảm bớt tác động tiêu cực của sự phân mảng trong thương mại.

Bằng số liệu thực tế, IMF đã chỉ rõ trong thế giới phân mảng giá trị trao đổi thương mại hàng hoá quốc tế và tiếp nhận dòng vốn FDI tăng lên đối với các nước không liên kết. Ấn Độ, Mexico và Việt Nam đang hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại và các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn gia tăng đầu tư vào các thị trường này trong thời gian tới.

Bốn là, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng.

Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào. Vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển, thuận lợi trong thâm nhập và mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Năm là, Việt Nam cam kết mạnh mẽ về thực hiện Cop26.

Cam kết mạnh mẽ thực hiện Cop26 khẳng định Việt Nam hoà vào dòng chảy, phù hợp với xu thế phát triển mới của kinh tế thế giới, đó là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, phương pháp quản lý hiện đại và đóng góp tích cực vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Thách thức đối với kinh tế Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

KINH TẾ VIỆT NAM: TẬN DỤNG LỢI THẾ THAM GIA SÂU HƠN VÀO CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU- Ảnh 3.

Để tham gia thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với phát huy hiệu quả những lợi thế, doanh nghiệp trong nước cần vượt qua các nhóm thách thức.

Một là, Doanh nghiệp trong nước đông về số lượng nhưng nội lực tồn tại và năng lực cạnh tranh thấp.

Số lượng doanh nghiệp khá lớn, với gần 900 nghìn doanh nghiệp, tuy vậy, có đến 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ cấu doanh nghiệp của nền kinh tế bất hợp lý, không phải là thế mạnh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với khoảng 33% số doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ bán buôn bán lẻ, dịch vụ khách sạn, nhà hàng.

Hai là, Công nghiệp phụ trợ non kém, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu.

Kinh tế nước ta chưa tự chủ được nguồn nguyên, nhiên vật liệu, linh kiện, phụ kiện đầu vào, phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Hiện nay, 37% nguyên vật liệu dùng cho sản xuất của nền kinh tế phải nhập từ bên ngoài; nhập khẩu nguyên vật liệu ở một số ngành phụ thuộc vào một số ít thị trường. Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế thấp, dễ bị tổn thương từ các cú sốc bên ngoài.

Ba là, Công nghệ và phương thức sản xuất lạc hậu.

Công nghệ và phương thức sản xuất của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo phản ánh trình độ sản xuất của nền kinh tế. Hiện nay, ngành CBCT về cơ bản dừng lại ở trình độ lắp ráp - Trình độ thấp nhất trong 4 cấp độ công nghiệp hoá. Chưa có tín hiệu cho thấy khi nào ngành công nghiệp quan trọng này vươn lên trình độ sản xuất với kỹ thuật riêng; cao hơn là trình độ sản xuất với thiết kế riêng và cao nhất là trình độ sản xuất với thương hiệu riêng.

Năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ là trở ngại lớn để thu hút chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam cũng như hạn chế khả năng Việt Nam tham gia vào các công đoạn cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đây cũng là điểm hạn chế để Việt Nam thích ứng với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những điểm yếu này nếu không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào "bẫy" gia công, lắp ráp, khó kiểm soát được các dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư "núp bóng" đầu tư nước ngoài thâu tóm thị trường và doanh nghiệp trong nước.

Bốn là, Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung chủ yếu vào một trong năm nhóm đối tác của chuỗi cung ứng.

Hoạt động của chuỗi cung ứng là sự vận hành với quá trình liên kết, phụ thuộc và tác động qua lại của 5 nhóm đối tác: Nhà cung ứng nguyên, nhiên vật liệu và các yếu tố đầu vào; Nhà sản xuất hàng hoá; Nhà phân phối và logistics; Đạ lý bán lẻ; Khách hàng. Trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hiện nay Việt Nam đang tập trung đầu tư và phát triển để khẳng định vị thế của nhóm nhà sản xuất hàng hoá trong 5 nhóm đối tác của chuỗi cung ứng. Chưa chú trọng đến 4 nhóm còn lại.

Năm là, Thiếu đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng; khả năng làm việc nhóm và hội nhập kém.

Trình độ tay nghề của lao động Việt Nam tương đối thấp so với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Cơ cấu lao động theo ba khu vực kinh tế chưa hợp lý. Số lượng lao động tăng nhanh ở khu vực phi chính thức. Chất lượng lao động không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tính bấp bênh và dễ bị tổn thương đến việc làm và thu nhập của người lao động khá cao. Lao động thời vụ phát triển, hạn chế về đào tạo kỹ năng.

Năm 2023, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 3 tháng trở lên được cấp bằng, chứng chỉ còn thấp, đạt 27%. Nói cách khác, toàn nền kinh tế có tới 38,1 triệu lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó.

Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo không hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Đặc biệt, đa số người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp; cả người quản lý lẫn người lao động còn thiếu ý thức tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian lao động.

Ngoài ra, người lao động thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến. Kỹ năng quản trị và quản lý của đội ngũ doanh nhân chưa theo kịp yêu cầu sản xuất kinh doanh trong thế giới đầy biến động.

Sáu là, Tính chủ động trong việc thực hiện đầy đủ cam kết quy định trong các FTA chưa cao.

Các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA có những quy định bắt buộc doanh nghiệp và chính phủ phải thực hiện theo lộ trình cụ thể, như quy định về các hoạt động truyền thống mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư; các vấn đề phi truyền thống như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư; các vấn đề mới bao gồm thương mại và phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ.

Hiện nay, thị trường nhập khẩu quốc tế đưa ra nhiều đòi hỏi mới với các quy định và tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với hàng hoá xuất khẩu của các nước. Tại châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, xung quanh "Thỏa thuận xanh châu Âu" có một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên. Từ đó, nhiều quy định mới được đưa ra với những hàng hóa muốn xuất khẩu vào thị trường này, như: Quy định chống phá rừng của EU áp dụng từ 30/12/2024, sẽ tác động tới nông sản xuất khẩu của nước ta; EU đang hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa "tiêu thụ và vứt bỏ", loại bỏ các sản phẩm có "vòng đời ngắn" và kinh tế "tạo rác". Cơ chế điều chỉnh carbon sẽ áp thuế carbon đối với những hàng hoá nhập khẩu vào EU.

Bảy là, Rào cản trong chính sách và thực thi chính sách.

Doanh nghiệpphải đối mặt với nhiều rào cản trong chính sách và thực thi chính sách. Mặc dù đã có những đột phá về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh với nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy vậy hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vẫn chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định, khả năng tiên liệu thấp dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp. Việc chính quyền địa phương thực thi chính sách, pháp luật của Trung ương cũng đang là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp.

Tám là, Năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế.

Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn, năng suất gần như là tất cả! Điều này phản ánh vai trò quan trọng của năng suất lao động (NSLĐ) trong cạnh tranh, hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong thời gian qua, NSLĐ của nước ta đã được cải thiện, nhưng vẫn tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và thế giới. Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức NSLĐ của Singapore; 64,8% của Thái Lan. So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, NSLĐ của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc. Điều này phản ánh, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Cần làm gì để tận dụng hiệu quả những thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu

KINH TẾ VIỆT NAM: TẬN DỤNG LỢI THẾ THAM GIA SÂU HƠN VÀO CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU- Ảnh 4.

Để tận dụng hiệu quả các lợi thế do xu hướng tái định hình và thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần phân tích, đánh giá tất cả những lợi thế và thách thức đối với kinh tế Việt Nam, từ đó có chính sách và giải pháp tận dụng tối đa lợi thế, giảm thiểu và loại bỏ những khó khăn, thách thức.

Để doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội của xu thế thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, thiết nghĩ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp dân tộc hoà nhịp xu hướng tái định hình và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu

Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia hội nhập chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Chiến lược quốc gia cần có tính đột phá, linh hoạt về thể chế, chính sách và vốn để tạo dựng, nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp dân tộc, nhằm xây dựng nền kinh tế kết hợp hài hoà giữa sức mạnh nội lực, tự lực, tự cường với sức mạnh ngoại lực trong xu thế hội nhập, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, để doanh nghiệp trong nước đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu.

Thu hút các dự án FDI theo phương thức liên doanh, liên kết

Chính phủ cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy định như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, thật sự có năng lực. Đặc biệt, chúng ta cần tỉnh táo lựa chọn các dự án FDI, không để một số nước chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký, biến Việt Nam thành "vùng đệm", thực hiện lắp ráp thành phẩm rồi tái xuất.

Để các dự án FDI thực sự mang lại lợi ích và hiệu quả nhiều nhất cho đất nước, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp đột phá để các dự án FDI là các dự án liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước, giảm dần các dự án FDI vào Việt Nam để tận dụng thị trường, tận dụng ưu đãi từ chính sách thu hút FDI, tận dụng ưu đãi từ các FTA và lao động giá rẻ.

Thực hiện đầu tư nước ngoài theo hình thức liên doanh, liên kết để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị, quản lý; kiểm soát tài chính; phát triển công nghiệp phụ trợ. Xoá bỏ tình trạng Việt Nam làm thuê cho FDI ngay trên đất nước.

Thực hiện đầy đủ mọi cam kết của Việt Nam quy định trong các FTA

Chính phủ và các bộ, ngành cần xác định tất cả những cam kết Việt Nam phải thực hiện quy định trong các FTA để thực hiện. Khu vực doanh nghiệp phải nỗ lực đáp ứng tốt nhất các yêu cầu nghiêm ngặt, yêu cầu mới của các nước nhập khẩu trong khu vực FTA về các biện pháp kỹ thuật cũng như các biện pháp quản lý nhập khẩu khác.

Bên cạnh việc tuân thủ các quy định truyền thống về hải quan, quy tắc xuất sứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các doanh nghiệp phải thực thi đầy đủ, tránh vi phạm các nghĩa vụ mới trong các FTA thế hệ mới về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ.

Để đáp ứng các quy định và đòi hỏi khắt khe của thị trường, Chính phủ cần tiến hành xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất, có giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để hàng hoá xuất khẩu của nước ta đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Đồng thời, Chính phủ đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến nội dung các FTA theo phương thức đơn giản, dễ hiểu để doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện được những quy định trong các FTA.

Phát huy tối đa vai trò và lợi ích của nền kinh tế kết nối

Trong thế giới phân mảng, Chính phủ cần thực thi chính sách để tận dụng tối đa sức mạnh của nền kinh tế kết nối trong bối cảnh bất ổn địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí vận chuyển và logistic. Củng cố và hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thân thiện để giảm thiểu rủi ro.

Chủ động tham gia cung cấp các dịch vụ toàn cầu

Chính phủ cần nắm bắt xu hướng phát triển của các loại dịch vụ toàn cầu, từ đó đào tạo "Đội ngũ lao động tài năng toàn cầu của Việt Nam" đáp ứng xu thế gia tăng toàn cầu hoá về dịch vụ. Tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, đảm bảo khả năng cung ứng lao động cho chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tạo dựng và phát triển hài hoà các nhóm đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Cùng với tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển, khẳng định vị thế của nhóm nhà sản xuất hàng hoá, Chính phủ cần có giải pháp để doanh nghiệp trong nước thực hiện thành công vai trò của Nhà cung ứng nguyên, nhiên vật liệu và các yếu tố đầu vào; Nhà phân phối và logistics; Đại lý bán lẻ. Thực hiện giải pháp này sẽ nâng cao tính độc lập tự chủ, vai trò và vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế./.

Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê